Theia (/ˈθiːə/; tiếng Hy Lạp cổ đại: Θεία), còn được gọi là Thea hoặc Thia, hay Euryphaessa (Εὐρυφάεσσα, nghĩa là “tỏa sáng khắp nơi”), là một trong 12 người con Titan của Gaia và Uranus. Bà là nữ thần của thị giác và tầm nhìn, đồng thời được xem là vị thần ban tặng vẻ rực rỡ và giá trị nội tại cho vàng, bạc, đá quý.
Theia là chị em đồng thời là vợ của Hyperion, Titan đại diện cho mặt trời. Họ có với nhau ba vị thần quan trọng:
- Helios (Mặt trời),
- Selene (Mặt trăng),
- Eos (Bình minh).
Trong một số câu chuyện, Theia được đồng nhất với Aethra, người cũng được coi là vợ của Hyperion và mẹ của các con ông.
Giống như chồng mình, Theia ít xuất hiện và không đóng vai trò nổi bật trong các sự kiện của thần thoại Hy Lạp. Tuy nhiên, bà được ghi nhận chủ yếu nhờ những đứa con nổi tiếng, cũng như thứ ánh sáng và sự rực rỡ mà bà mang lại. Một số tư liệu và tín ngưỡng hiếm hoi vẫn nhắc đến bà như một nhân vật quan trọng trong dòng họ Titan.
Gia đình
Các tài liệu cổ xưa cho rằng Theia có nguồn gốc nguyên thủy khi là con gái trưởng của Gaia và Uranus. Những người em trai, em gái Titan của Theia bao gồm Oceanus, Crius, Hyperion, Iapetus, Coeus, Themis, Rhea, Phoebe, Tethys, Mnemosyne, Cronus, và đôi khi là chị em của Dione. Bà cũng là chị em của các sinh vật thần thoại như Cyclopes, Hecatoncheires, Giants, Meliae, Erinyes, và là chị cùng cha khác mẹ của Aphrodite (trong một số phiên bản), Typhon, Python, Pontus, Thaumas, Phorcys, Nereus, Eurybia, và Ceto.
Kết hôn với Hyperion, Theia sinh ra Helios (Mặt Trời), Selene (Mặt Trăng) và Eos (Bình Minh).
Học giả người Anh Robert Graves ghi chép rằng Theia được gọi là Euryphaessa, nữ thần với đôi mắt giống bò, là người đã sinh ra Helios trong những câu chuyện thần thoại có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại.
Thần thoại
Theia trong nhiều tài liệu thần thoại sau này mới được ghép đôi với anh trai Titan Hyperion. Trong Homeric Hymn to Helios, bà được gọi là “Euryphaessa dịu dàng, tỏa sáng rực rỡ” và là mẹ của ba vị thần ánh sáng gồm Helios (Mặt Trời), Selene (Mặt Trăng) và Eos (Bình Minh). Gaius Valerius Catullus miêu tả ba vị thần này là “những người con rạng ngời của Theia” trong bài thơ thứ 66 của ông.
Pindar (khoảng 518–438 TCN) ca ngợi Theia trong bài Isthmian Ode thứ năm:
Mother of the Sun, Theia of many names, for your sake men honor gold as more powerful than anything else; and through the value you bestow on them, O queen, ships contending on the sea and yoked teams of horses in swift-whirling contests become marvels.
Hỡi mẹ của Mặt Trời, Theia với muôn vàn tên gọi, nhờ ơn bà, loài người tôn vinh vàng là thứ mạnh mẽ nhất; nhờ giá trị mà bà ban tặng, ôi nữ hoàng, những con tàu tranh đấu trên biển và cỗ xe ngựa trong cuộc đua xoay vòng nhanh chóng trở thành kỳ quan.
Theia ở đây được miêu tả như nữ thần của ánh sáng rực rỡ và sự vinh quang. Cụm từ “Theia với muôn vàn tên gọi” trong lời ca của Pindar ngụ ý sự đồng hóa bà cùng các nữ thần ánh sáng như Phoebe và Leto, thậm chí có thể là các nhân vật người mẹ toàn năng hơn như Rhea hoặc Cybele. Một chú giải cổ cho rằng: “Helios sinh ra từ Theia và Hyperion, và từ Helios, vàng được tạo ra”. Điều này nhấn mạnh mối liên kết đặc biệt giữa Theia – nữ thần ánh sáng và tầm nhìn – với vàng, thông qua vai trò làm mẹ của thần Mặt Trời, Helios. Chính vì thế, Theia còn được xem là nữ thần của vạn vật phát ra ánh sáng.
Plutarch, nhà sử học Hy Lạp nổi tiếng, viết một câu chuyện ngụ ngôn có tên “The Moon and her Mother” (Mặt Trăng và Mẹ) (đôi khi được phân loại là ngụ ngôn của Aesop), trong đó Selene, con gái của Theia, yêu cầu mẹ mình dệt một bộ trang phục vừa vặn với cô. Theia trả lời bà không thể làm điều đó vì Selene luôn thay đổi hình dạng và kích thước – khi thì tròn đầy, khi chỉ lưỡi liềm và có lúc bằng một nửa, không bao giờ giữ nguyên.
Nhà thơ trữ tình Stesichorus (thế kỷ 6 TCN) nói rằng Theia sống cùng con trai Helios trong cung điện của ông. Bức phù điêu Gigantomachy tại Pergamon Altar khắc họa hình ảnh một nữ thần chiến đấu bên cạnh một người khổng lồ trẻ tuổi, gần Helios, được suy đoán là Theia – mẹ của ông.
Câu chuyện của Diodorus về Theia (Basileia)
Nhà sử học Diodorus Siculus kể một phiên bản không chính thống, trong đó Theia được đồng nhất với Basileia (“nữ hoàng”, “cung điện hoàng gia”). Câu chuyện diễn ra như sau:
Uranus sinh ra vô số con gái, nổi bật nhất là hai cô: Basileia và Rhea – đôi lúc được gọi là Pandora. Basileia là chị cả, vượt trội hơn hẳn các chị em về sự khôn ngoan và tri thức sâu rộng. Bà thường gánh vác trách nhiệm chăm sóc các em trai tận tình, chu toàn như một người mẹ, vì thế bà còn có danh xưng là “Đại Mẫu”.
Sau khi Uranus rời khỏi thế gian và gia nhập hàng ngũ thần thánh, Basileia, với sự đồng thuận của quần chúng và em trai, đã kế vị ngai vàng mặc dù bà vẫn còn trinh nguyên và nguyện từ bỏ kết hôn vì đức hạnh. Tuy nhiên, để dòng tộc có thêm người kế vị ngai vàng, bà thành thân với Hyperion, người em trai bà yêu thương nhất.
Basileia sinh được hai người con, Helios và Selene, có sắc đẹp và phẩm chất cao quý không kém cạnh mẹ. Những người em trai khác vô cùng ganh tỵ với hạnh phúc của chị gái, đồng thời lo sợ Hyperion chiếm đoạt quyền lực nên đã hợp lực bày mưu giết ông. Họ sát hại Hyperion và thậm chí còn dìm đứa trẻ Helios xuống sông Eridanus.
Khi sự việc được phát giác, do quá yêu quý anh trai, Selene nhảy từ mái nhà xuống tự vẫn. Còn Basileia, lúc này đang tìm kiếm thi thể con trai dọc sông, đã kiệt sức và ngất đi. Trong giấc mơ, bà nhìn thấy Helios xuất hiện, an ủi bà đừng quá đau lòng vì thần thánh trời cao sẽ trừng phạt kẻ ác và ông cùng Selene sẽ được tái sinh thành những thực thể bất tử. Helios cho biết lửa thiêng trên bầu trời sẽ được gọi là “Helios” (Mặt Trời) và mặt trăng sẽ được gọi là “Selene”.
Choàng tỉnh từ cơn mê, Basileia kể lại những gì được nghe và cả nỗi bất hạnh cho mọi người, yêu cầu họ tôn kính các con của mình như những vị thần. Bà còn cảnh báo không ai được chạm vào cơ thể bà. Sau đó, Basileia trở nên điên loạn, cầm lấy món đồ chơi phát ra âm thanh của con gái và lang thang khắp nơi với mái tóc xõa dài, vừa đi vừa rung lắc trống inh ỏi.
Cảnh tượng này khiến mọi người kinh ngạc và thương cảm cho số phận của bà. Một cơn bão lớn kèm tiếng sấm và tia chớp đánh xuống mặt mặt đất. Basileia biến mất trong cảnh tượng siêu nhiên đó.
Dân chúng, bàng hoàng trước sự biến mất kì lạ, khiếp sợ và tin tưởng tuyệt đối những lời bà căn dặn họ trước đây. Mọi người liền chuyển tên và danh hiệu của Helios cũng như Selene thành các ngôi sao trên bầu trời để tế thần tế thánh. Còn Basileia, họ coi bà là một nữ thần, dựng bàn thờ cúng. Người dân tổ chức các nghi lễ cúng bái, biến những điệu nhảy trong tiếng trống của bà thành phong tục tôn vinh.
Anh chị em
- Oceanus (Anh trai)
- Argês (Em trai)
- Briareos (Em trai)
- Brontês (Em trai)
- Gyes (Em trai)
- Hyperion (Em trai)
- Iapetos (Em trai)
- Koios (Em trai)
- Kottos (Em trai)
- Krios (Em trai)
- Kronos (Em trai)
- Mnemosyne (Em gái)
- Tethys (Em gái)
- Phoibe (Em gái)
- Rhea (Em gái)
- Steropês (Em trai)
- Themis (Em gái)
Sự thật thú vị
- Người Hy Lạp cổ đại tin rằng đôi mắt luôn phát ra một tia sáng nhỏ giúp con người có thể nhìn thấy. Điều này vốn để làm sáng tỏ mối liên hệ giữa Theia, nữ thần thị giác với thần Mặt Trời Helios.
- Theia còn được cho là bản thể nữ của thần Nguyên thủy Aether. Đó là vì bà là con gái của Uranus và có bản chất, vai trò khá tương đồng với Aether.