URANUS

Uranus hay Ouranos (tiếng Hy Lạp cổ: Οὐρανός), là hiện thân của bầu trời và là một trong những thần nguyên thủy của Hy Lạp. Theo Hesiod, Uranus là con trai và cũng là chồng của Gaia. Cùng với bà, ông tạo ra thế hệ Titan đầu tiên. Tuy nhiên, không có tín ngưỡng nào thờ phụng duy nhất Uranus cho đến thời kỳ cổ điển. Hình ảnh Uranus cũng không xuất hiện nhiều trên các bình gốm vẽ của Hy Lạp cổ đại. Mặc dù vậy, các yếu tố Đất (Gaia), Bầu Trời (Uranus) và Styx (dòng sông thề nguyền) đều được nhắc đến trong những lời cầu nguyện trang trọng của sử thi Homer. Trong thần thoại La Mã, Uranus tương đương với thần Caelus.


Uranus
Hiện thân cho Bầu trời bao phủ Gaia (Đất)
Bạn đời Gaia
Gia đình Gaia (mẹ); PontusThe Ourea (anh chị em)
Con cái Các Titan, Cyclopes, Hecatoncheires, Erinyes (Nữ thần báo thù), Người khổng lồ (Giants), Nữ thần cây tần bì (Meliae) và Aphrodite

 

Phả hệ

Theo nguồn tài liệu chính

Trong Theogony của Hesiod được người Hy Lạp coi là bản ghi chép chuẩn nhất, Chaos là thực thể đầu tiên xuất hiện, tiếp đến là Gaia. Từ Gaia, Uranus, The OureaPontus (Biển) ra đời.

Sau đó, Uranus giao phối với Gaia và sinh ra mười hai vị Titan bao gồm Oceanus, Coeus, Crius, Hyperion, Iapetus, Theia, Rhea, Themis, Mnemosyne, Phoebe, Tethys và Cronus; ba người Cyclopes gồm Brontes, Steropes và Arges; cùng với ba Hecatoncheires gồm Cottus, Briareus và Gyges.

Hơn thế nữa, khi Cronus thiến Uranus, máu của ông bắn ra khắp mặt đất, tạo nên bộ ba nữ thần Báo thù Erinyes, người Khổng lồ (Giants) và Meliae (Những cây sồi). Ngoài ra, theo Theogony, khu vực biển chỗ bộ phận sinh dục của Uranus ném xuống xuất hiện “một lớp bọt trắng lan ra” và “mọc lên” và nữ thần Aphrodite bước ra. Nhưng theo Homer, Aphrodite lại là con gái của Zeus và Dione.

Những nguồn khác

Nguồn gốc và gia phả của Uranus không có sự thống nhất giữa các tài liệu. Trong bài thơ sử thi thất truyền Titanomachy, Uranus là con trai của Aether, trong khi theo một số nguồn khác, Uranus là con trai của một nhân vật tên Acmon. Theo các văn bản Orphic, Uranus (cùng với Gaia) là con của Nyx và Phanes. Nhà thơ Hy Lạp cổ đại Sappho (sống vào năm 630 đến 570 TCN) lại cho rằng Uranus là cha của Eros, có thể là với Gaia hoặc với Aphrodite.

Nhà học giả Apollodorus đưa ra một phả hệ hơi khác so với Hesiod. Không đề cập đến tổ tiên, ông mở đầu câu chuyện bằng một câu đơn giản là “Uranus – người đầu tiên cai trị toàn bộ thế giới”. Theo Apollodorus, các Titan (thay vì là con đầu lòng của Uranus như trong Hesiod) được sinh ra sau ba người Hecatoncheires và ba Cyclopes và có đến mười ba Titan nguyên thủy, bổ sung thêm Titanide Dione vào danh sách của Hesiod.

Các đoạn trong phần Deception of Zeus của Iliad chỉ ra Homer có biết đến một nghi lễ mà trong đó Oceanus và Tethys (thay vì Uranus và Gaia như trong Hesiod) mới là cha mẹ của các Titan. Plato, trong tác phẩm Timaeus, cung cấp một hệ phả (có thể là Orphic) phản ánh một nỗ lực dung hòa sự khác biệt rõ rệt giữa Homer và Hesiod, với Uranus và Gaia là cha mẹ của Oceanus và Tethys và Oceanus và Tethys là cha mẹ của Cronus, Rhea và các Titan khác.

Trong thần thoại La Mã, Uranus được gọi với cái tên Caelus. Cicero nói rằng Caelus là con trai của Aether và Dies. Caelus và Dies là cha mẹ của Mercury (Hermes). Hyginus cho biết thêm, ngoài Caelus, Aether và Dies còn là cha mẹ của Terra (Đất) và Mare (Biển).

Thần thoại

Sự ra đời và bị lật đổ

Tác phẩm của Hesiod có ghi chép, Gaia sinh Uranus đầu tiên, với vị thế ngang bằng bà để có thể che phủ Đất mẹ từ mọi phía, đồng thời trở thành nơi cư trú vững chắc cho các vị thần bất tử. Sau đó, cùng với Uranus, Gaia tiếp tục sinh thêm mười tám người con bao gồm mười hai Titan, ba Cyclopes và ba Hecatoncheires. Tuy nhiên, vì ghét bỏ ngoại hình xấu xí, dị dạng của Cyclopes và Hecatoncheires, ông giam giữ họ đâu đó trong lòng Gaia. Phẫn nộ và lo lắng, Gaia tạo ra một cái liềm kim cương và thuyết phục những người con Titan lật đổ cha, giải cứu các em. Hầu hết bọn họ đều sợ thế lực của Uranus, chỉ duy có con trai Cronus, Titan nhỏ tuổi nhất, sẵn sàng làm điều đó. Cronus núp sẵn ở địa điểm Gaia chỉ và chờ đến khi Uranus đến gần Gaia, ông nhảy ra, vung liềm cắt đứt bộ phận sinh dục của Uranus. Ông còn ném nó xuống biển. Uranus ôm vết thương bỏ chạy, tạo điều kiện cho các Titan vùng lên và Cronus nắm quyền cai trị vũ trụ tối cao.

Uranus bị cắt xén bởi Saturn (Cronus), Giorgio Vasari, thế kỷ 16

Vì hành động tàn nhẫn này, Uranus gọi các con mình là “Thứ Titan nghiệp chướng” với vô số lời chỉ trích cùng cảnh báo về cuộc lật đổ tương tự sau này. Theo Hesiod, từ dòng máu của Uranus đổ xuống mặt đất đã sinh ra các Giants, Erinyes (những Nữ thần Báo thù) và Meliae ((những Nymph của cây tần bì). Còn từ bộ phận sinh dục của ông trong nước biển, Aphrodite đã ra đời. Theo một số câu chuyện, người Phaeacians huyền thoại mà Odysseus đã ghé thăm trong Odyssey cũng ra đời từ máu của Uranus.

Nhiều địa điểm có sự liên kết mật thiết với chiếc liềm của Cronus và vụ thiến này. Hai trong số đó nằm trên đảo Sicily. Theo nhà thơ Alexandrian Callimachus (khoảng năm 270 TCN), chiếc liềm của Cronus được chôn trong “một hốc dưới mặt đất” tại Zancle ở Sicily. Địa điểm thứ hai gọi là Drepanum (hiện nay là Trapani) bắt nguồn từ từ Hy Lạp có nghĩa là “liềm”. Một nhà thơ Alexandrian khác tên Lycophron (khoảng năm 270 TCN) đã nhắc đến “vòng quanh bước nhảy của liềm Cronos” (rounding the Cronos’ Sickle’s leap) ám chỉ việc chiếc liềm được ném xuống biển tại Drepanum.

Sau khi bị thiến, Uranus lui về ở ẩn. Ngoài việc ông và Gaia cảnh báo con trai Cronus về sự chống đối từ chính con mình, khuyên con gái Rhea, vợ của Cronus, đi đến Lyctus trên đảo Crete để sinh ra Zeus nhằm cứu thần khỏi tay Cronus và khuyên cháu mình nuốt người vợ đầu tiên Metis để không gặp cảnh tương tự như Cronus, Uranus không còn đóng vai trò nào thêm trong thần thoại Hy Lạp. Tuy nhiên, ông vẫn được khắc họa trên phù điêu Gigantomachy tại Đền Pergamon, với bộ râu và đôi cánh, cầm kiếm chiến đấu với những Giants, cách đó không xa là con gái của ông, Themis, đang bị một Giant khác tấn công.

Bầu trời (Uranus)

Sau việc bị phế truất, Bầu trời (Uranus) giữ nguyên vị trí và không còn hạ xuống che phủ Mặt đất (Gaia) vào ban đêm. Theo nhà nghiên cứu Carl Kerényi, vì Uranus bị thiến khiến việc sinh sản thế hệ thần nguyên thủy đã chấm dứt. Uranus hiếm khi được xem như một nhân vật có hình dáng con người ngoại trừ trong câu chuyện thiến, nơi bộ phận sinh dục của ông là yếu tố then chốt. Ông đơn thuần là bầu trời, được người xưa hình dung như một vòm hoặc mái bằng đồng bao phủ, được giữ cố định (hoặc quay trên trục) bởi Titan Atlas.

Trong các bài thơ Homeric, ouranos đôi khi được sử dụng như một cách ám chỉ Olympus, nơi các vị thần sinh sống. Một ví dụ rõ ràng là trong Iliad (1.495), đoạn mô tả Thetis từ biển ngoi lên và cầu xin Zeus:

and early in the morning she rose up to greet Ouranos-and-Olympus and she found the son of Kronos …

“vào sáng sớm bà trỗi dậy để gặp Ouranos và Olympus, rồi bà tìm thấy con trai của Kronos…”.

Nhà nghiên cứu William Sale nhận xét rằng: “… ‘Olympus’ hầu như luôn được sử dụng [để chỉ nơi ở của các vị thần Olympus], nhưng ouranos thường dùng để nói về bầu trời tự nhiên phía trên chúng ta mà không mang hàm ý rằng thần thánh sống ở đó.” Sale kết luận chỗ sinh sống ban đầu của các vị thần là đỉnh núi Olympus thực sự, nhưng theo truyền thống văn học sử thi đến thời Homer, họ đã được chuyển lên bầu trời (ouranos).

Đến thế kỷ thứ sáu TCN, khi xuất hiện khái niệm “Aphrodite thiên thể” (Aphrodite Urania), để phân biệt với “Aphrodite phổ quát” (Aphrodite Pandemos), ouranos chỉ đơn thuần tượng trưng cho bầu trời hay lĩnh vực vũ trụ học.

Sức mạnh và quyền năng

Uranus là vị thần Nguyên thủy vô cùng mạnh mẽ và là vua của các vị thần.

  • Khả năng điều khiển bầu trời tối thượng (Unparalleled Caelumkinesis) bao gồm thời tiết, thiên tai, gió, mây, không khí.
  • Khả năng thao túng tâm linh.
  • Điều khiển vật thể từ xa.
  • Dịch chuyển.
  • Bay lượn.
  • Cơ thể của một Protogenoi.
  • Tạo ra các vị thần.
  • Bất khả xâm phạm.
  • Tái sinh và hồi phục nhanh chóng.
  • Bất tử.

Con cái

Titan nam:

Titan nữ:

  • Rhea
  • Theia
  • Tethys
  • Themis
  • Mnemosyne
  • Phoibe

Nữ thần:

  • Aphrodite
  • Erinyes – Nữ thần Báo thù

Sinh vật huyền bí:

  • Cyclopes cổ đại
  • Hekatonchieres

Để lại một bình luận