EROS

Eros (tiếng Hy Lạp cổ: Ἔρως) là vị thần của tình yêu và dục vọng. Trong thần thoại La Mã, ông được gọi là Cupid. Theo ghi chép cổ xưa nhất, ông là một Đấng Nguyên thủy, còn các ghi chép sau này mô tả ông là một trong những người con của AphroditeAres. Cùng với một số anh chị em của mình, ông thuộc nhóm Erotes tập hợp các vị thần tình yêu có cánh.

Eros thường được khắc họa là một chàng trai trẻ khôi ngô tuấn tú, đôi khi xuất hiện dưới dạng cậu bé tin nghịch luôn bên cạnh mẹ. Dù ở hình thái nào, ông đều có cánh và mang theo cây cung cùng những mũi tên đặc trưng. Với những mũi tên này, Eros làm cho cả người phàm lẫn các vị thần bất tử rơi vào lưới tình, thường là dưới sự chỉ đạo của Aphrodite. Vai trò của ông trong thần thoại chủ yếu mang tính hỗ trợ cho Aphrodite và các vị thần tình yêu khác, như chất xúc tác khiến con người yêu nhau nên ông ít có những câu chuyện riêng biệt nổi bật. Giai thoại nổi tiếng nhất về Eros là với người vợ Psyche, kể về cách ông gặp gỡ và đem lòng yêu cô.


Eros
Tên La Mã Cupid
Cai trị Tình yêu và ham muốn tình dục
Linh thú Thỏ, cá heo, gà trống
Biểu tượng Cung tên, sáo, đuốc
Cha mẹ Không có (nếu là Thần Nguyên thủy); AresAphrodite
Anh chị em Anteros, Phobos, Deimos, Harmonia, một số anh chị em cùng cha khác mẹ và một số anh chị em cùng mẹ khác cha (là con trai của Ares và Aphrodite)
Bạn đời Psyche
Con cái Hedone
Nơi ở Núi Olympus

 

Hình tượng

Eros xuất hiện dưới nhiều hình thái khác nhau trong các nguồn tài liệu Hy Lạp cổ đại. Ở những học thuyết ban đầu (về vũ trụ học hay tôn giáo bí ẩn), Eros là một trong số Thần Nguyên thủy xây dựng nên vũ trụ. Tuy nhiên sau đó, Eros được ghi chép lại là đứa con trai tinh nghịch của Aphrodite thích ghép đôi tình yêu, thường là những cuộc tình vụng trộm giữa các vị thần và người phàm.

Eros, Joseph Paelinck, 1820

Cuối cùng, trong các tác phẩm của những nhà thơ trào phúng thời kỳ sau này, Eros xuất hiện dưới dạng đứa trẻ đang bịt mắt, khởi nguồn cho hình ảnh Cupid mũm mĩm của thời kỳ Phục Hưng, hoàn toàn đi ngược với Hy Lạp cổ khi Eros là một thanh niên trưởng thành, nghệ sĩ tài ba và biểu tượng của ham muốn dục vọng.

Eros thuộc nhóm Erotes, bên cạnh những nhân vật khác như Himeros và Pothos, là các vị thần bảo trợ cho tình yêu đồng giới tính nam. Eros cũng thuộc bộ ba vị thần đóng vai trò trong các mối quan hệ đồng tính luyến ái, cùng với Heracles Hermes. Cả ba cùng nhau là những vị thần ban tặng vẻ đẹp, sự trung thành, sức mạnh và khả năng hùng biện cho những người yêu nhau.

Eros mang danh hiệu Klêidouchos (Κλειδοῦχος), nghĩa là “người giữ chìa khóa,” vì ông được cho là giữ chìa khóa dẫn đến trái tim con người. Ngoài ra, ông còn có danh hiệu Pandemos (Πάνδημος, “chung cho tất cả mọi người”), nhấn mạnh sự hiện diện của ông trong tình yêu nói chung.

Thần thoại

Đấng Nguyên thủy

Theo Theogony của Hesiod (khoảng năm 700 TCN), một trong những nguồn tư liệu Hy Lạp cổ xưa nhất, Eros, hiện thân cho tình yêu, là vị thần thứ tư xuất hiện sau Chaos, Gaia và Tartarus.

Tuy nhiên, Parmenides, một triết gia tiền Socrates sống vào năm 400 TCN, lại nói Eros chính là vị thần đầu tiên có mặt.

Trong vở hài kịch The Birds (414 TCN), Aristophanes đưa ra một thuyết vũ trụ học về việc Eros được sinh ra từ một quả trứng do Nyx (Night) đẻ ra:

Gương của Etruscan hoặc Hy Lạp với hình chạm khắc Thần Nguyên thủy Eros đang chơi đàn lia

At the beginning there was only Chaos, Night, dark Erebus, and deep Tartarus. Earth, the air and heaven had no existence. Firstly, blackwinged Night laid a germless egg in the bosom of the infinite deeps of Erebus, and from this, after the revolution of long ages, sprang the graceful Eros with his glittering golden wings, swift as the whirlwinds of the tempest. He mated in deep Tartarus with dark Chaos, winged like himself, and thus hatched forth our race, which was the first to see the light.

Dịch:

Ban đầu chỉ có Chaos, Night, Erebus đen tối và Tartarus sâu thẳm. Trái đất, không khí và bầu trời chưa tồn tại. Đầu tiên, Night với đôi cánh đen tuyền đặt một quả trứng không mầm sống trong lòng vực sâu của Erebus. Sau khoảng thời gian dài đằng đẵng, Eros bước ra từ quả trắng, duyên dáng tung cánh vàng rực rỡ và nhanh như cơn gió lốc. Eros giao hợp với Chaos u ám, cũng có đôi cánh giống ông, trong Tartarus vô tận và từ đó sinh ra chúng ta, thế hệ đầu tiên được thấy ánh sáng.

Trong một số phiên bản Orphic khác, Quả Trứng Orphic chứa Eros được tạo ra bởi Chronos. Eros là Protogonos (người đầu tiên được sinh ra), vì ông là vị thần đầu tiên được con người hình dung và xem như thần sáng tạo mọi sự sống và vị vua đầu tiên của vũ trụ. Nyx là con gái và cũng là bạn đời của Eros. Bà sinh ra Gaia và Ouranos. Eros truyền quyền cai trị cho Nyx, sau đó Nyx trao lại cho Ouranos.

Eros nguyên thủy cũng được biết đến với các danh hiệu như Phanes (Người soi sáng), Erikepaios (Sức mạnh), Metis (Trí tuệ) và Dionysus. Trong một số phiên bản, Zeus nuốt chửng Phanes (Eros) để hấp thụ sức mạnh sáng tạo và tái tạo lại thế giới, từ đó trở thành Đấng Cai trị Vũ trụ. Người Orphic tin rằng Dionysus là hóa thân của Eros nguyên thủy và khi Zeus chuyển quyền lực cho Dionysus, Eros nghiễm nhiên giành được sức mạnh kiểm soát vũ trụ một lần nữa.

Con trai của Aphrodite và Ares

Trong những câu chuyện thần thoại sau này, Eros xuất hiện với thân phận là con trai của Aphrodite và Ares. Eros là một trong những Erotes (nhóm thần tình yêu). Eros được mô tả là mang theo đàn lia hoặc cung và mũi tên. Ngoài ra, Eros thường đứng chung với các linh vật của mình như cá heo, sáo, gà trống, hoa hồng, và đuốc.

Dionysiaca: Những cuộc phiêu lưu của Dionysus

Bình điêu khắc Eros và một Maenad (tín đồ của Dionysus) ở bảo tàng Agrigento, Ý

Eros xuất hiện trong hai huyền thoại liên quan đến Dionysus. Trong câu chuyện đầu tiên, Eros đã khiến chàng chăn cừu Hymnus phải lòng Nicaea, một nàng Naiad (nữ thần suối) xinh đẹp. Tuy nhiên, Nicaea không đáp lại tình cảm của Hymnus nên trong cơn tuyệt vọng, anh yêu cầu cô phải giết anh. Nicaea đã làm điều đó khiến Eros cảm thấy ghê tởm với hành động của cô. Ông liền bắn một mũi tên tình yêu về phía Dionysus để vị thần phải lòng cô. Nicaea từ chối Dionysus và sau đó, vị thần này đổ đầy rượu vào giếng làm cô say rượu bất tỉnh. Dionysus đã cưỡng ép cô. Sau đó, Nicaea tìm cách trả thù, nhưng không bao giờ tìm thấy vị thần rượu.

Câu chuyện thứ hai liên quan đến một trong những nàng tiên đồng trinh của Artemis tên Aura. Cô ta vô cùng tự hào về việc mình còn trinh, khoe khoang bản thân tốt hơn nữ thần vì sở hữu cơ thể thuần khiết, trái ngược với dáng vẻ quyến rũ và phồn thực của nữ thần . Cô ta còn dám tỏ vẻ nghi ngờ sự trinh trắng của Artemis. Tức giạn vì bị xúc phạm, Artemis nhờ thần Báo thù Nemesis giúp đỡ và Nemesis đã ra lệnh cho Eros khiến Dionysus phải lòng Aura. Giai thoại này diễn ra tương tự như huyền thoại về Nicaea: Dionysus khiến Aura say rượu và sau đó cưỡng hiếp cô ta.

Những tích truyện khác

Cảm thấy bị xem thường trước hai người bạn săn của Artemis là Rhodopis và Euthynicus khi họ nguyện một đời cống hiến cho sự trinh trắng, không chấp nhận giá trị tình yêu mà bà đang phân phát, nữ thần yêu cầu Eros sử dụng mũi tên làm hai người họ yêu nhau. Artemis coi đó là hành động phản bội nên biến Rhodopis thành đài phun nước.

Trong một câu chuyện khác, Eros cùng Aphrodite đang chơi đùa trong một cánh đồng và thi thố với nhau xem ai hái được nhiều hoa. Nhờ có đôi cánh nhanh nhẹn, Eros dẫn đầu trước. Một nàng tiên tên Peristera (nghĩa là “chim bồ câu”) thấy thế liền âm thầm nhặt ít hoa và đưa cho Aphrodite giúp bà chiến thắng. Eros tức giận và biến Peristera thành một con chim bồ câu.

Theo triết học gia Porphyrius, nữ thần Công lý Themis đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của Eros. Có một lần, Aphrodite phàn nàn với Themis rằng Eros mãi không chịu lớn, chỉ muốn làm con nít. Themis khuyên bà sinh thêm một người em trai cho Eros. Aphrodite đã sinh ra Anteros (có nghĩa “tình yêu hai chiều”). Mỗi khi Eros ở gần Anteros, anh sẽ lớn lên. Nhưng nếu Anteros vắng mặt, Eros lại trở về kích thước ban đầu.

Một lần khác, khi Eros đang trong hình dạng đứa trẻ và tập luyện bắn cung, Apollo chế giễu anh nên để vũ khí cho các vị thần cao lớn và còn khoe khoang đã giết con rắn Python. Eros tức giận và lập tức bắn Apollo một mũi tên tình yêu khiến Apollo phải lòng Daphne, một nàng tiên đồng trinh trong rừng. Ngước lại, Eros bắn Daphne một mũi tên chì khiến cô căm ghét Apollo lẫn sự tán tỉnh mãnh liệt của ông. Cuối cùng, Daphne bị biến thành một cây để trốn tránh sự theo đuổi của Apollo.

Eros và Anteros, Camillo Procaccini  (1561–1629)

Eros và Psyche

Psyche được người dân tôn vinh (1692–1702)

Tại một vương quốc không tên, có một cô công chúa nhan sắc tuyệt trần và được vô số người săn đón tên Psyche. Ở đó, người dân tôn sùng nhan sắc của cô, cho rằng cô chính là Aphrodite tái sinh hay con gái của Aphrodite với người phàm nên dâng lễ vật cho Psyche và bỏ qua thờ cúng nữ thần Tình yêu. Aphrodite vô cùng tức giận và sai Eros khiến công chúa yêu đương với quái vật. Tuy nhiên, trong lúc làm nhiệm vụ, anh lại vô tình bị thương bởi mũi tên của chính mình và đã phải lòng Psyche ngay từ lần gặp đầu tiên, trái ngược hoàn toàn với lệnh của mẹ.

Về phía cha mẹ Psyche, do con gái đến tuổi cập kê vẫn mãi không tìm được ý trung nhân, người cha nghi ngờ đã làm phật lòng thần linh nên đến đền xin lời tiên tri của Apollo. Ông nhận được câu trả lời thật đáng sợ rằng con rể không phải người phàm mà là sinh vật giống rồng quái dị, ngay cả Zeus còn phải e dè.

Về nhà, ông bắt Psyche khoác áo tang, đưa đến đỉnh vách đá hiểm trở và bỏ cô lại. Cô mau chóng thiếp đi và được thần Gió Tây Zephyrus nâng đỡ, đưa đến gặp người bạn đời định mệnh. Khi tỉnh dậy, Psyche nhận ra mình đang ở bìa rừng thiêng . Đi sâu vào trong, cô phát hiện một căn nhà tuyệt đẹp với những cột vàng, trần nhà chạm khắc bằng gỗ cam và sàn nhà lát đầy đá quý. Cô được tiếp đãi một bữa ăn thịnh soạn không người phục vụ và một giọng nói vang vọng bảo cô cứ tự nhiên như ở nhà.

Đám cưới của Psyche, Edward Burne-Jones, 1895

Đến đêm, một sinh vật không rõ hình dáng luôn nằm bên cạnh, âu yếm và yêu thương Psyche. Anh luôn rời đi trước khi mặt trời mọc và cấm cô tìm cách nhìn thấy anh ta. Dần dà, cô chấp nhận chung sống với sinh vật bí ẩn này và chẳng bao lâu sau, cô mang thai.

Phản bội lòng tin

Biết gia đình mong ngóng tin tức, Psyche thuyết phục Eros, lúc này chưa lộ danh tính, cho phép Zephyrus đưa chị mình đến thăm. Chứng kiến cuộc sống phồn hoa phú quý của Psyche, hai người chị ghen tị và thổi vào tâm cô những nghi ngờ về người chồng, bởi lẽ theo lời tiên tri, cô đang chung sống với con quái vật ghê tởm, có thể nuốt chửng cô và đứa con trong bụng.

Mong muốn khám phá ra sự thật, nhân lúc Eros ngủ say, Psyche thực hiện kế hoạch mà các chị bày ra. Cô thủ sẵn một con dao và cầm chiếc đèn dầu tiến đến Eros, để nếu thực sự là quái vật, cô sẽ giết chết anh. Từ ánh sáng le lói, vẻ đẹp thần tiên của anh dần lộ diện khiến cô bất ngờ, sơ ý làm đổ dầu nóng xuống người anh. Eros tỉnh dậy, phát hiện ý đồ của Psyche và thất vọng bay đi. Psyche cố gắng đuổi theo và gục ngã bên bờ sông.

Cupid và Psyche, Giuseppe Crespi, 1707 – 1709

Trở về quê hương, Psyche lần lượt đến thăm từng chị gái và kể nỗi thống khổ của bản thân. Biết được danh tính người chồng bí mật của cô, lòng họ tràn ngập sự ganh ghét và rắp tâm thay thế cô. Họ tìm cách leo lên vách đá và nhảy xuống để thần Gió Tây mang đi, nhưng thay vì đạt được mong muốn, họ rơi thẳng xuống và chịu cái chết tàn khốc.

Hành trình tìm kiếm và thử thách

Trong hành trình tìm lại tình yêu đời mình, Psyche tình cờ phát hiện một ngôi đền của Demeter, bên trong chất đầy đồ lộn xộn từ ngũ cốc, lúa mì, đồ cúng tế, dụng cụ làm nông. Mong muốn ngôi đền trang nghiêm và sạch sẽ đúng với tên gọi, cô sắp xếp mọi thứ gọn gàng và Demeter đã xuất hiện, bày tỏ sự cảm kích. Psyche cầu xin sự giúp đỡ của bà nhưng nữ thần thừa nhận mặc dù cô xứng đáng được thần linh giúp đỡ, bà không thể hỗ trợ cô kết nối vơi Eros và chống lại Aphrodite. Cả Hera cũng nói điều tương tự khi cô đến cầu nguyện. Psyche nhận ra chính cô phải đi chuộc tội với Aphrodite.

Câu chuyện về Psyche, Giulio Romano, 1526-1528

Aphrodite hả hê vì toàn quyền kiểm soát Psyche. Bà giao lại cô cho hai người hầu, Lo Âu và Buồn Phiền (Worry và Sadness), để tra tấn và hành hạ. Nữ thần còn xé rách quần áo và đánh đập cô tàn nhẫn, chế nhạo cái thai xuất hiện trong cuộc hôn nhân giả tạo. Sau đó, bà ném cho Psyche một đống lúa mì, lúa mạch, hạt anh túc, đậu gà, đậu lăng và đậu đỗ, yêu cầu cô phân loại chúng thành từng đống riêng biệt trước bình minh.

Khi bà đi dự tiệc, một con kiến tốt bụng cảm thương cô và huy động đội quân côn trùng hoàn thành công việc. Trở về nhà trong trạng thái say xỉn, nữ thần tức giận khi thấy mọi thứ đã hoàn tất. Bà ném cho Psyche mẩu bánh mì nhỏ và buộc miệng tiết lộ Eros đang trị thương ở nhà.

Vào lúc bình minh, Aphrodite giao cho Psyche nhiệm vụ thứ hai là lấy lông vàng từ những con cừu đang ăn cỏ ở bờ bên kia một con sông. Đàn gia súc này vốn thuộc về thần Mặt trời Helios và nổi tiếng với tính cách hung tợn. Psyche tuyệt vọng vô cùng và có ý định kết liễu cuộc đời, nhưng thay vào đó, cô được cứu nhờ sự tác động của thần thánh vào một cây sậy, loại cây thường dùng làm nhạc cụ. Nó còn chỉ dẫn cho cô thu thập lông cừu mắc trên bụi gai thay vì đối đầu trực diện.

Đối với nhiệm vụ thứ ba của Psyche, cô được giao một chiếc bình pha lê để đựng nước đen phun ra từ nguồn sông Styx và Cocytus ở dưới Địa phủ. Cô đã leo được đến chỗ thượng nguồn và sợ hãi, muốn buông xuôi bởi không khí u ám và những con rồng kinh dị xung quanh. Thần Zeus thấy thương tình, gửi con đại bàng đến đánh nhau với giống loài phun lửa ấy và lấy nước cho cô.

Bốn thử thách của Psyche

Đi đến Thế giới ngầm

Nhiệm vụ cuối cùng mà Aphrodite giao cho Psyche là một chuyến xuống địa ngục và xin một liều thuốc sắc đẹp của Persephone, nữ hoàng chốn Âm phủ. Bà than thở vẻ đẹp của mình đã phai mờ do phải vất vả chăm sóc Eros nên cần liều thuốc để tham gia vào buổi biểu diễn của các vị thần.

Psyche nghĩ rằng chỉ có cái chết mới giúp cô tìm được đường xuống Địa phủ. Cô bèn leo lên một ngọn tháp nhằm nhảy xuống. Bất ngờ thay, ngọn tháp lên tiếng và khuyên cô đến Lacedaemon, Hy Lạp, tìm một nơi gọi là Taenarus, đó chính là cổng địa ngục. Tháp tiếp tục hướng dẫn cô cách di chuyển như sau:

The airway of Dis is there, and through the yawning gates the pathless route is revealed. Once you cross the threshold, you are committed to the unswerving course that takes you to the very Regia of Orcus. But you shouldn’t go emptyhanded through the shadows past this point, but rather carry cakes of honeyed barley in both hands, and transport two coins in your mouth.

Dịch:

Cửa ngõ của Dis ở đó, và qua cánh cổng rộng mở, con đường không có lối đi được hiện ra. Một khi cô vượt qua ngưỡng cửa, cô đã bước trên con đường không thể quay đầu, dẫn đến tận cung điện của Orcus. Nhưng cô không nên đi tay không qua bóng tối trong thời điểm này, hãy cầm hai tay đầy chiếc bánh làm từ lúa mạch ngọt và ngậm hai đồng xu trong miệng.

Psyché ở địa ngục, Eugène Ernest Hillemacher, 1865

Tháp cảnh báo Psyche buộc giữ im lặng khi đi qua một số hình ảnh kinh sợ như một người què lái một con la chở đầy củi, một người chết bơi trong dòng sông ngăn cách cõi âm dương hay những bà lão già cõi đang dệt. Tháp nói rằng họ sẽ tìm cách cản trở, van nài sự giúp đỡ nhưng cô phải phớt lờ. Những chiếc bánh ngọt dùng thu hút sự chú ý của con chó ba đầu Cerberus đang canh giữ Orcus, còn hai đồng xu là cho người lái đò Charon giúp cô có thể quay trở về.

Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch và Persephone chấp nhận thỉnh cầu chân thành của Psyche. Tuy nhiên, ngay khi ra khỏi Thế giới ngầm, cô đã không thể kiềm chế sự tò mò mạnh mẽ, cùng một chút mong muốn bản thân đẹp hơn khi gặp lại người yêu nên mở hé chiếc hộp. Hóa ra, bên trong chỉ có một “giấc ngủ địa ngục trên sông Styx” khiến cô rơi vào một cơn mê sâu, không thể cử động.

Đoàn tụ và tình yêu vĩnh cửu

Lúc này, khi vết thương vừa lành, Eros bay qua cửa sổ, trốn mẹ mình đi tìm Psyche. Thấy Psyche nằm sõng soài bên cạnh chiếc hộp, anh liền dùng năng lực rút giấc ngủ từ gương mặt cô và đặt nó trở lại hộp. Anh còn cẩn thận dùng mũi tên của mình chích vào người cô nhằm gắn lại kết nối và bảo vệ cô. Anh tung cánh nâng cô lên trời, đi đến chỗ Aphrodite hoàn thành nhiệm vụ cuối.

Cupid và Psyche, Anthony van Dyck, 1639 -1640

Sau đó, Eros lên đỉnh Olympus, gặp Zeus và trình bày vấn đề. Thần Zeus đồng ý giúp đỡ với điều kiện anh phải hỗ trợ thần bất kỳ khi nào một trinh nữ xinh đẹp thu hút sự chú ý của thần. Zeus sai Hermes triệu tập tất cả thần thánh tập trung tại thiên đàng và thần công khai tuyên bố sự chấp thuận cũng như cảnh báo Aphrodite không được can thiệp. Tiếp đó, thần Zeus trao cho Psyche thức uống bất tử ambrosia giúp cô có cuộc sống vĩnh cửu bên cạnh Eros. Thần còn tự hào nói cuộc hôn nhân này đã cứu chuộc Eros khỏi quá khứ gây ra những mối quan hệ lăng nhăng và ngoại tình.

Câu chuyện khép lại bằng một đám cưới linh đình, mở đầu cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc và sự hòa giải các mâu thuẫn, tuy sau đó Aphrodite vẫn tiếp tục giận Psyche trong vòng nhiều tuần. Đứa con được sinh ra từ cặp đôi này tên là Voluptas (tiếng Hy Lạp là Hedone ‘Ηδονή), nghĩa là “Niềm Vui.”

Tiệc cưới của Cupid và Psyche, Raphael, 1517

Đặc điểm đặc trưng

Cung và tên

Đĩa đất nung màu đỏ có Eros, năm 340–320 TCN, hiện đang trưng bày ở bảo tàng Nghệ thuật Walters

Eros được khắc họa là chàng thanh niên khôi ngô luôn mang theo cung và những mũi tên quyền năng được anh dùng để khiến bất kỳ ai cũng phải say đắm trong tình yêu. Tác giả người La Mã tên Ovid chỉ rõ rằng Eros sở hữu hai loại tên khác nhau. Loại thứ nhất là những mũi tên bằng vàng giúp tạo ra cảm giác mãnh liệt của tình yêu và sự gắn bó ở mục tiêu. Loại thứ hai được làm từ chì với tác dụng ngược lại là làm con người chán ghét tình yêu và lấp đầy trái tim họ bằng sự thù hận. Chi tiết này thể hiện rõ nhất trong câu chuyện về Daphne và Apollo, khi Eros làm cho Apollo phải lòng nàng tiên nữ Daphne và Daphne ghét bỏ mọi tình cảm lãng mạn.

Trong câu chuyện của Ovid về sự kiện Persephone bị Hades bắt cóc, Aphrodite và Eros đóng vai trò quan trọng. Chính Aphrodite ra lệnh cho Eros khiến Hades yêu cháu gái mình để quyền lực của họ có thể vươn tới cả Thế giới ngầm. Eros buộc phải sử dụng mũi tên mạnh mẽ nhất của mình để làm tan chảy trái tim sắt đá của Hades.

Eros là một thực thể quyền năng có thể kiểm soát tất cả mọi người, ngay cả các vị bất tử. Trong tác phẩm Dialogues of the Gods của Lucian, Zeus đã chế giễu và chỉ trích Eros vì khiến thần phải lòng và lừa dối nhiều phụ nữ trần thế. Thậm chí đến cả Aphrodite, mẹ của Eros, cũng khuyên anh đừng trêu đùa thần thánh như thể họ là “món đồ chơi”. Tuy nhiên, Eros không thể tác động đến bất kỳ nữ thần đồng trinh như Hestia, AthenaArtemis, những người đã tuyên thệ giữ gìn sự trong sạch.

Thần của tình bạn và tự do

Pontianus của Nicomedia, một nhân vật trong tác phẩm Deipnosophistae của Athenaeus, khẳng định rằng Eros là thần của tình bạn và tự do.

Erxias (Ἐρξίας) viết rằng người Samian thờ phụng Eros bằng cách dựng một phòng tập thể dục dành riêng cho thần. Lễ hội được tổ chức để tôn vinh Eros được gọi là Eleutheria (Ἐλευθέρια), có nghĩa là “tự do”.

Người Lacedaemonians của thành Sparta dâng lễ vật lên Eros trước khi ra trận vì họ tin rằng sự an toàn và chiến thắng phụ thuộc vào tình bạn của những quân sĩ sát cánh bên nhau. Người Cretan cũng dâng lễ vật lên Eros trong những trận chiến vì mục đích tương tự.

Để lại một bình luận