Song Ngư (Pices ♓︎) (tiếng Hy Lạp cổ đại: Ἰχθύες Ikhthyes, tiếng Latin có nghĩa là “những con cá”) là cung Hoàng đạo thứ mười hai và cuối cùng trong vòng tròn hoàng đạo. Đây là cung Linh hoạt trải dài từ 330° đến 360° kinh độ thiên thể. Theo hệ thống hoàng đạo nhiệt đới , Mặt Trời di chuyển qua khu vực này khoảng từ ngày 19 tháng 2 đến ngày 20 tháng 3.
Trong các diễn giải cổ điển, biểu tượng hai chú cá của Song Ngư được lấy cảm hứng từ ichthyocentaur (nhân mã cá), những người đã giúp đỡ Aphrodite khi bà được sinh ra từ lớp bọt biển.
Theo một số nhà chiêm tinh học nhiệt đới, thời kỳ chiêm tinh hiện tại là Thời đại Song Ngư (Age of Pisces). Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng giai đoạn hiện tại phải là Thời đại Bảo Bình (Age of Aquarius). Đây đều là những khái niệm trong chiêm tinh học dùng để chỉ các chu kỳ lịch sử dài, mỗi chu kỳ sẽ kéo dài khoảng 2.160 năm. Chúng được xác định dựa trên hiện tượng tiến động của trục Trái Đất, khi vị trí của Mặt Trời tại thời điểm Xuân phân dần dịch chuyển qua các chòm sao trên hoàng đạo.
Song Ngư | |
Ngày sinh | 19 tháng 2 đến 20 tháng 3 |
Biểu tượng | Hai chú cá |
Nguyên tố | Nước |
Tính chất cung Hoàng Đạo | Cung Linh hoạt |
Chủ tinh |
Sao Mộc (cổ đại) Sao Hải Vương (hiện đại) |
Nhà | Thứ mười hai |
Thần thoại
Những vị thần liên kết với cung Song Ngư bao gồm thần Đại dương Poseidon, thần Sắc đẹp Aphrodite, thần Tình yêu Eros, quái vật trăm đầu rắn Typhon, thần Vũ trụ Vishnu của Ấn Độ giáo và nữ thần Inanna của thần thoại Sumer.
Truyền thuyết sơ khai
Song Ngư là một trong những cung hoàng đạo cổ xưa nhất từng được ghi chép, với biểu tượng hai con cá xuất hiện từ khoảng năm 2300 TCN trên nắp quan tài của Ai Cập.
Theo thần thoại Hy Lạp, hai con cá, đôi khi được miêu tả là một con cá mập, của Song Ngư chính là hình dạng mà Aphrodite và Eros (con trai bà) đã biến thành để trốn khỏi con Typhon đáng sợ. Typhon, với biệt danh chúa tể quái vật, đã được Đất Mẹ Gaia gửi đến nhằm tấn công đỉnh Olympus, cân bằng quyền lực. Thần rừng Pan liền cảnh báo các vị thần trước khi tự biến mình thành một con dê đuôi cá, nhảy xuống sông Euphrates. Tác phẩm thơ năm tập Astronomica của Manilius có nhắc đến chi tiết Song Ngư đã cứu giúp Aphrodite và con trai bà thoát khỏi nguy hiểm: “Venus nợ sự an toàn của mình nhờ vào hình dạng của chúng.” (Venus ow’d her safety to their Shape).
Sự ra đời của Aphrodite cũng có liên quan đến chòm sao Song Ngư. Một dị bản kể rằng có một quả trứng rơi xuống sông Euphrates, sau đó được cá lăn vào bờ. Những con chim bồ câu đã ấp quả trứng cho đến khi nó nở và nữ thần Aphrodite bước ra . Để tỏ lòng biết ơn đối với những con cá, Aphrodite đưa chúng lên bầu trời đêm. Từ thần thoại này, chòm sao Song Ngư được biết đến với các tên gọi khác như “Venus et Cupido”, “Venus Syria cum Cupidine”, “Venus cum Adone”, “Dione” và “Veneris Mater”, trong đó tên cuối cùng là thuật ngữ Latin chính thức để chỉ mẹ của Venus.
Những câu chuyện Hy Lạp về nguồn gốc của cung Song Ngư đã được nhà chiêm tinh người Anh Richard James Morrison trích dẫn làm ví dụ về các huyền thoại phát sinh từ học thuyết chiêm tinh gốc nhằm nhấn mạnh: “mục đích ban đầu của nó sau này đã bị làm sai lệch bởi các thi sĩ và các linh mục.”
Học thuyết và tôn giáo hiện đại
Lễ Purim của người Do Thái rơi vào dịp trăng tròn trước Lễ Vượt Qua (Passover). Lễ này được xác định theo trăng tròn trong cung Bạch Dương, cung tiếp nối cung Song Ngư. Sự ra đời của Chúa Giêsu được cho là có mối liên kết đến việc phân tuyến xuân đi vào cung Song Ngư, khi Đấng Cứu Thế của Thế Giới xuất hiện như Người Đánh Cá Loài Người (the Fisher of Men). Điều này tương đương với sự chuyển mình vào Thời đại Song Ngư.
Thời kỳ chiêm tinh
Thời kỳ chiêm tinh là một khoảng thời gian trong chiêm tinh học, phản ánh những thay đổi lớn trong sự phát triển của loài người, đặc biệt liên quan đến văn hóa, xã hội và chính trị. Có mười hai Thời kỳ chiêm tinh, tương ứng với mười hai cung Hoàng đạo. Những Thời kỳ chiêm tinh này xảy ra do hiện tượng tiến động điểm xuân phân (precession of the equinoxes). Một chu kỳ hoàn chỉnh của hiện tượng này được gọi là Năm Lớn (Great Year) hoặc Năm Platonic, kéo dài khoảng 25.920 năm.
Thời đại Song Ngư bắt đầu vào khoảng năm Công Nguyên 1 và sẽ kết thúc vào khoảng năm 2150. Câu chuyện về sự ra đời của Chúa Giêsu trùng khớp mốc thời gian này, vì thế nhiều biểu tượng Kitô giáo sử dụng biểu tượng chiêm tinh của Song Ngư (hai con cá) để ám chỉ Chúa Giêsu. Chính bản thân Chúa Giêsu cũng mang nhiều đặc điểm tính cách của một người thuộc cung Song Ngư nên Ngài được coi là hình mẫu của Piscean. Hơn nữa, mười hai tông đồ cũng được gọi là “người đánh cá loài người”, các tín đồ Kitô giáo đầu tiên tự gọi mình là “những con cá nhỏ”. Một từ mã hóa để chỉ Chúa Giêsu là từ tiếng Hy Lạp cho cá, “ΙΧΘΥΣ ICHTHYS”. Vì vậy, sự bắt đầu của thời đại này, hay còn gọi là “Tháng Lớn của Song Ngư”, được coi là sự khởi đầu của Cơ đốc giáo. Thánh Phêrô được công nhận là tông đồ của cung Song Ngư.