Bảo Bình (Aquarius ♒︎) (tiếng Hy Lạp: Ὑδροχόος, chuyển tự: Hydrokhóos; nghĩa là “người mang nước” trong tiếng Latin) là cung chiêm tinh thứ mười một trong vòng tròn hoàng đạo, bắt nguồn từ chòm sao Bảo Bình. Theo chiêm tinh học nhiệt đới, Mặt Trời di chuyển qua chòm sao này từ khoảng 20 tháng 1 đến 18 tháng 2.
Bảo Bình là một trong ba cung thuộc nguyên tố Khí, cùng với Song Tử và Thiên Bình. Hành tinh chủ quản của Bảo Bình theo chiêm tinh học truyền thống vốn là Sao Thổ, giống với Ma Kết. Hiện tại, chủ tinh của Bảo Bình đã đổi sang Sao Thiên Vương.
Bảo Bình là cung khí Kiên định. Cung đối đỉnh của Bảo Bình chính là Sư Tử.
Bảo Bình có gắn liền với Kỷ nguyên Bảo Bình, một khái niệm nổi bật trong các phong trào phản kháng những năm 1960 và Giả kim thuật Trung Cổ. Thời điểm khởi nguồn Kỷ nguyên Bảo Bình vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.
Bảo Bình | |
Ngày sinh | 20 tháng 1 đến 19 tháng 2 |
Biểu tượng | Người mang nước |
Nguyên tố | Khí |
Tính chất cung Hoàng Đạo | Cung Kiên định |
Chủ tinh |
Sao Thổ (cổ đại) Sao Thiên Vương (hiện đại) |
Nhà | Thứ mười một |
Thần thoại
Trong văn hóa truyền thống Hy Lạp, Bảo Bình có biểu tượng đơn giản là một chiếc bình duy nhất, từ đó dòng nước chảy xuống chòm sao Nam Ngư (Piscis Austrinus). Trong chiêm tinh học Ấn Độ, tên gọi của chòm sao này là kumbha, nghĩa là “bình nước” hoặc “vò nước”.
Các câu chuyện thần thoại Hy Lạp kể rằng Bảo Bình có liên kết với Deucalion, con trai của Titan Prometheus. Mong muốn thoát khỏi trận đại hồng thủy thần linh giáng xuống phàm nhân, Deucalion cùng vợ mình Pyrrha đã đóng một con tàu, lênh đênh trên biển trong chín ngày trước khi dạt vào núi Parnassus. Đến đây, họ cầu xin các vị thần giúp đỡ tái sinh loài người. Thần thánh đã chỉ dẫn cả hai ném đá ra sau lưng. Những viên đá ấy biến thành người và từ đó con người được tái sinh.
Bảo Bình cũng được đồng nhất với Ganymede, một thanh niên trẻ đẹp và là con trai của Tros, vua thành Troy. Khi đang chăn đàn gia súc của cha mình trên núi Ida, Ganymede đã lọt vào mắt xanh của Zeus. Ganymede được thần Zeus mang lên đỉnh Olympus để làm người rót rượu phục vụ các vị thần. Chòm sao Aquila ở gần đó tượng trưng cho con đại bàng, dưới sự sai khiến của Zeus, bắt cóc anh lên thiên giới. Một số phiên bản thần thoại khác cho rằng đại bàng chính là Zeus biến hình. Một dị bản lại nói Ganymede bị nữ thần bình minh Eos bắt đi. Thần thoại về Ganymede đã được nhà thơ La Mã cổ đại Ovid kể qua bài ca của Orpheus trong tác phẩm Metamorphoses.
Ngoài ra, còn có một nhân vật khác gắn liền với biểu tượng người mang nước của Bảo Bình là Cecrops I, vị vua đầu tiên của Athens. Ông là người đã hiến dâng nước thay vì rượu để cúng tế các vị thần.