Artemis (tiếng Hy Lạp cổ đại: Ἄρτεμις, tên La Mã: Diana) là một trong những vị thần được tôn thờ rộng rãi nhất trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Một số học giả cho rằng tên gọi và bản thân nữ thần có nguồn gốc trước thời kỳ Hy Lạp. Homer đã gọi cô là Artemis Agrotera hay Potnia Theron: “Artemis of the wildland, Mistress of Animals” (Artemis của vùng hoang dã, Nữ chúa của các loài động vật). Người Arcadia tin rằng cô là con gái của Demeter.
Trong thời kỳ cổ điển của thần thoại Hy Lạp, Artemis thường được khắc họa là con gái của Zeus và Leto, và là chị song sinh của Apollo. Bà là nữ thần thuộc nền văn minh Hy Lạp cổ đại bảo trợ cho săn bắn, động vật hoang dã, thiên nhiên, sinh đẻ, trinh tiết và là người bảo vệ các cô gái trẻ, chữa lành bệnh tật cho phụ nữ. Bà cũng là một thợ săn cầm cung và tên. Hươu, sói và cây bách là biểu tượng linh thiêng của bà. Vào thời kỳ Hellenistic sau này, bà đảm nhận luôn vai trò cổ xưa của nữ thần Eileithyia, hỗ trợ việc sinh nở.
Artemis | |
Tên khác | Nữ chúa Cung tên, Potnia Theron (nữ chúa của muôn loài), nữ chúa Ephesus, Diana (tên La Mã) |
Bảo hộ | Mặt trăng, săn bắn, thú hoang dã, đồng trinh, hỗ trợ sinh nở, sinh đẻ và bắn cung |
Linh thú | Nai, hươu, diều hâu, chim đa đa, ngỗng, gà sao |
Biểu tượng | Cung, tên, bao tên, dao săn, mặt trăng, hươu, cây bách |
Gia đình |
Các nhà văn Hy Lạp cổ đại đã liên kết tên Artemis (Doric: Artamis) với các từ trong tiếng Hy Lạp như artemes (ἀρτεμής), có nghĩa là “an toàn” hoặc artamos (ἄρταμος), có nghĩa là “thợ mổ”. Tuy nhiên, tên Artemis (các biến thể như Arktemis, Arktemisa) có khả năng xuất phát từ từ árktos trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “gấu” (từ PIE *h₂ŕ̥tḱos). Điều này được chứng minh bởi tín ngưỡng thờ gấu mà nữ thần này có ở Attica (Brauronia) và những dấu tích thời kỳ đồ đá mới tại hang Arkoudiotissa, cũng như câu chuyện về Callisto, vốn ban đầu liên quan đến Artemis (biệt danh Arcadian Callisto).
Tín ngưỡng này là sự bảo tồn những nghi thức rất cổ xưa liên quan đến vật tổ và thầy cúng, và là một phần của nghi lễ thờ gấu rộng lớn hơn, có mặt trong các nền văn hóa Ấn-Âu khác (ví dụ như Artio, nữ thần gấu của người Gaul). Người ta tin rằng hình thức tiền thân của Artemis đã được thờ cúng ở Crete (nền văn minh Minoan) với vai trò nữ thần của các ngọn núi và săn bắn, mang tên Britomartis. Mặc dù có sự liên kết với các tên gọi ở Anatolia (vùng đất cổ xưa nằm ở khu vực Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), nhưng các dạng tên đầu tiên của Artemis đã được ghi nhận trong Linear B (chữ viết cổ của người Hy Lạp Mycenae) là a-te-mi-to và a-ti-mi-te, được phát hiện tại Pylos. Artemis cũng được thờ cúng ở Lydia (vùng đất thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) dưới cái tên Artimus.
Sự ra đời
Thần thoại Hy Lạp cổ đại kể rất nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của Artemis và người anh song sinh, Apollo. Tuy nhiên, tất cả đều quy về luận điểm rằng Artemis và Apollo là con của Zeus và Leto. Zeus khiến Leto mang thai và hòn đảo Delos (hoặc Ortygia trong Bài thánh ca Homer về Artemis) đã cho Leto ở lại, bất chấp lệnh ngăn cấm của Hera để Leto sinh ra cặp sinh đôi an toàn.
Trong thời kỳ cổ đại của đảo Crete (Hy Lạp), Leto được thờ phụng tại Phaistos, và trong thần thoại Crete, bà đã hạ sinh Apollo và Artemis trên những hòn đảo ngày nay được gọi là Paximadia. Một đoạn chú thích của Servius về Aeneid iii. 72 nói rằng tên cổ xưa Ortygia của hòn đảo này xuất phát từ việc Zeus biến Leto thành một con chim cút (ortux) để che giấu sự không chung thủy của thần với Hera. Học giả Kenneth McLeish còn chỉ ra khi mang hình dạng chim cút, Leto đã sinh con dễ dàng như cách một con chim cút đẻ trứng, gần như không phải chịu đau đớn.
Các câu chuyện thần thoại cũng có nhiều mâu thuẫn về việc ai là người được sinh ra trước. Phần lớn các phiên bản cho rằng Artemis chào đời trước và trở thành người đỡ đẻ cho mẹ mình trong lúc sinh ra người em sinh đôi Apollo. Việc Artemis ra đời không gây đau đớn cho Leto, giúp bà được ban tặng danh hiệu nữ thần của sự sinh nở. Sau khi ra đời, chính Artemis hỗ trợ Leto trong việc sinh đẻ Apollo, hoàn thành đúng vai trò của danh hiệu.
Tuổi thơ
Tuổi thơ của Artemis không được kể lại một cách đầy đủ trong bất kỳ thần thoại còn sót lại. Trong tác phẩm sử thi cổ đại Iliad, nữ thần xuất hiện dưới hình dạng một cô bé, sau khi bị Hera đánh đập, đã khóc lóc và trèo vào lòng Zeus. Một bài thơ của học giả Callimachus dành cho Artemis, “người vui đùa trên núi cùng cây cung và mũi tên,” đã khắc họa vài hình ảnh sống động đáng yêu về bà. Theo Callimachus, khi mới ba tuổi, Artemis ngồi trên đầu gối của cha mình là thần Zeus để xin ban cho sáu điều ước:
- Mãi mãi giữ gìn sự trinh nguyên.
- Có nhiều tên gọi khác nhau để phân biệt với người em Apollo.
- Trở thành Phaesporia (người mang ánh sáng).
- Sở hữu một cây cung với bộ tên và chiếc áo dài ngang đầu gối để thuận tiện cho việc săn bắn.
- Sáu mươi “con gái của Okeanos”, tất cả đều chín tuổi làm dàn hợp xướng cho mình.
- Hai mươi nữ thần Amnisides làm thị nữ để chăm sóc chó săn và cây cung trong lúc bà nghỉ ngơi.
Artemis không muốn có thành phố nào tôn thờ và hiến tế riêng cho mình. Bà chỉ có nguyện vọng cai quản núi rừng và giúp đỡ phụ nữ trong cơn đau đẻ.
Artemis tin rằng mình được các nữ thần Số mệnh chọn làm nữ hộ sinh, sau sự kiện bà giúp mẹ sinh ra người em trai Apollo. Tất cả bạn đồng hành của Artemis đều giữ gìn trinh tiết và bản thân bà cũng bảo vệ sự trinh nguyên của mình một cách nghiêm ngặt. Những biểu tượng của Artemis bao gồm cây cung, mũi tên bạc, chó săn, hươu và mặt trăng. Callimachus cho biết tuổi thơ của Artemis là chuỗi ngày đi tìm kiếm những thứ bậc nhất để trở thành người thợ săn tài giỏi. Bà đã lấy được cây cung với bộ tên từ đảo Lipara, nơi Hephaestus và các Cyclops làm việc.
Khi các con gái của Okeanos tỏ vẻ sợ hãi, Artemis, dù còn rất nhỏ, đã dũng cảm bước tới và xin một cây cung cùng những mũi tên. Callimachus còn nói thêm Artemis đã đến gặp Pan, vị thần rừng rậm, và được ông ban cho bảy con chó cái và sáu con chó đực. Sau đó, Artemis bắt được thêm sáu con hươu vàng có sừng để kéo xe của mình. Bà bắt đầu luyện tập bắn cung bằng cách nhắm vào cây và tiếp đó là thú hoang.
Mối quan hệ và những người liên quan
Vì là nữ thần trinh nguyên xinh đẹp, Artemis thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nam thần và phàm nhân.
Có một lần, Artemis đã bị lừa để có con. Trước đó, Artemis xúc phạm Hera và Athena khi nói rằng cả hai không phải là những nữ thần trinh nữ thật sự. Bởi Athena đã có con và Hera là nữ thần của hôn nhân. Tiếp đến, bà mỉa mai với Aphrodite tình yêu thật vô nghĩa vì chỉ để lại những trái tim tan vỡ. Artemis liền lấy ví dụ của thi sĩ Orpheus và nàng tiên Eurydice, dù tình duyên sâu đậm nhưng cái kết vẫn là khổ đau. Tất nhiên, những nữ thần này đã để bụng và lên kế hoạch trả thù. Với sự giúp đỡ của Dionysus, họ biến mỗi chàng trai thành Athens thành con nai vàng quyến rũ Artemis. Không lâu sau, bà bắt đầu chuyển dạ một cách đau đớn. Chính Hera (cũng là nữ thần của việc sinh đẻ) đã làm phép cho việc sinh nở của Artemis sẽ không dễ dàng. Người ta không chắc chắn con gái của bà là ai. Một số người nói rằng đó là sao chổi Haley. Những người khác cho biết con bé là bóng tối của đêm. Nhưng phần lớn đều tin mặt trăng, thứ luôn chiếu sáng và dõi theo ta trong màn đêm, chính là con gái của Artemis.
Trong thế giới huyền bí của thần thoại Hy Lạp, nữ thần Artemis, nổi tiếng với tài săn bắn và bảo vệ thiên nhiên hoang dã, đã mang trong mình một tình yêu mãnh liệt với gã khổng lồ Orion. Mối quan hệ nở rộ nhanh chóng dưới vòng tay bảo vệ của khu rừng già, nơi họ cùng nhau tận hưởng niềm vui săn bắn và hình thành một liên kết không thể phá vỡ. Nhưng số phận trớ trêu thay. Những lời bàn tán xì xào vô căn cứ về tình yêu của Orion dành cho người khác đến tai Artemis khiến bà nghi ngờ và hoang mang. Bị cuốn theo cơn ghen tuông, bà giương cung bắn một mũi tên trúng ngay phần cơ thể không hề phòng bị của Orion. Khi người thợ săn khổng lồ gục ngã vì vết thương quá nặng, Artemis cảm thấy hối hận và đau khổ. Như một hình thức chuộc tội và xoa dịu nỗi đau, bà trao cho Orion một số phận trên trời cao, trở thành một chòm sao lấp lánh. Thế là Orion mãi mãi lang thang trên bầu trời, trở thành chứng tích cho tình yêu bi thương từng thắp sáng nơi sâu thẳm tâm hồn Artemis.
Alpheus, một vị thần sông, cũng đã phải lòng Artemis. Khi nhận ra không thể làm gì để giành được tình cảm Artemis, hắn quyết định sẽ bắt cóc bà. Trong lúc đang vui đùa với các bạn đồng hành tại Letrenoi, Artemis tình cờ gặp Alpheus. Lòng đầy nghi ngờ động cơ nham hiểm, bà liền dùng bùn che mặt để thần sông không nhận ra. Trong câu chuyện khác, Alpheus cố gắng cưỡng hiếp người hầu của Artemis là Arethusa. Artemis thương xót và cứu Arethusa bằng cách biến cô thành một suối nước trong đền thờ Artemis Alphaea ở Letrini, nơi nữ thần và người hầu uống nước.
Bouphagos, con trai của Titan Iapetos, nhìn thấy Artemis và nảy sinh ý định xằng bậy với bà. Đọc được những suy nghĩ tội lỗi của hắn, Artemis đánh hắn tơi tả ở núi Pholoe. Sipriotes là một cậu bé, có thể vì vô tình nhìn thấy Artemis tắm, hoặc cũng có ý muốn xấu xa với bà, đã bị nữ thần biến thành con gái.
Actaeon
Có nhiều phiên bản thần thoại về Actaeon, mặc dù không còn đầy đủ và hoàn chỉnh. Tuy có nhiều chi tiết khác biệt, cốt lõi câu chuyện vẫn kể Actaeon là một thợ săn vĩ đại và bị Artemis biến thành hươu do một lỗi lầm và sau đó bị những con chó săn giết chết. Những con chó này là của Actaeon, nhưng chúng không còn nhận ra chủ của mình nữa. Đôi khi, đó lại là những con chó của Artemis.
Theo tác phẩm tiêu chuẩn hiện đại nghiên cứu về thần thoại này, The Myth of Aktaion: Literary and Iconographic Studies của Lamar Ronald Lacey, phiên bản gốc có khả năng xảy ra nhất là Actaeon, bạn săn của Artemis, đã vô tình nhìn thấy bà khỏa thân trong suối nước linh thiêng và tính cưỡng ép bà. Vì dám làm điều mạo phạm, Actaeon bị biến thành một con hươu và bị chính những con chó săn của mình xé xác. Tuy nhiên, trong một số phiên bản khác, Actaeon là một người lạ vô tình gặp Artemis. Các phiên bản này cũng kể về cách gây tội khác nhau của người thợ săn, như việc nhìn thấy nữ thần đồng trinh khỏa thân, hay tự nhận mình là thợ săn giỏi hơn bà, hoặc thậm chí là đối thủ của Zeus trong việc giành tình cảm của Semele.
Adonis
Trong một số phiên bản về Adonis, người được thêm vào thần thoại Hy Lạp trong thời đại Hy Lạp hóa (the Hellenistic period), Artemis đã phái một con lợn rừng giết Adonis để trừng phạt anh vì tội kiêu ngạo, khoe khoang bản thân là thợ săn giỏi hơn cả bà.
Trong các dị bản sau này, Artemis giết Adonis để trả thù. Adonis là người yêu của Aphrodite và chính Aphrodite là người chịu trách nhiệm cho cái chết của Hippolytus, một người thân thiết của Artemis. Do đó, Artemis giết Adonis để báo thù cho cái chết của Hippolytus.
Nhiều câu chuyện khác lại cho biết Adonis không bị Artemis giết, mà là do Ares giết vì ghen tuông.
Orion
Orion là bạn săn của Artemis. Trong nhiều phiên bản, ông bị Artemis giết, trong khi những phiên bản khác lại nói rằng ông bị con bọ cạp do Đất Mẹ Gaia phái giết. Có một số nói rằng do Orion cố gắng quyến rũ Opis, một trong những người hầu của Artemis, Artemis đã giết ông. Theo một dị bản của Aratus, Orion đã nắm lấy áo choàng của Artemis nên bà giết ông để tự vệ.
Artemis từng là bạn của người khổng lồ Orion, nhưng sau cái chết của Orion, con người bắt đầu tin rằng mối quan hệ có thể phát triển hơn thế. Tuy nhiên, điều này khó thành sự thật vì những câu chuyện ban đầu về tình bạn của họ lại kể rằng Orion từng là một kẻ hiếp dâm, cố gắng lợi dụng mối quan hệ bạn bè để cưỡng hiếp Artemis, và chính điều này đã dẫn đến việc Artemis giết ông. Một số câu chuyện khác nói rằng Orion đã cố gắng giết tất cả thú trong rừng để giành được trái tim Artemis. Để ngừng hành động điên rồ, Artemis liền giết Orion mà không chút nuối tiếc hoặc Đất Mẹ Gaia đã phái Con Bọ Cạp (Scorpio) đến đến xé xác ông. Dù sao, trái với những nhận định phổ biến, có rất nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa họ chỉ đơn thuần là tình bạn (mặc dù Orion muốn nhiều hơn, nhưng có thể hắn đã không hành động theo ý định đó và cố gắng cưỡng hiếp bà).
Trong trường hợp ít khả năng xảy ra nhất, nếu Artemis thực sự yêu Orion, Apollo sẽ can thiệp để đảm bảo Artemis giữ lời thề. Có thể chính ông đã phái Scorpio đến giết Orion hoặc lừa Artemis bắn chết Orion. Trong một dị bản khác, Orion tự xưng là thợ săn giỏi nhất và Hera đã phái Con Bọ Cạp để giết ông. Zeus sau đó đã đưa Orion lên bầu trời, hóa thành một chòm sao để tạ lỗi với Orion về những gì vợ của thần Zeus đã làm. Hầu hết các câu chuyện cho thấy chính Zeus là người đưa Orion lên bầu trời và chỉ trong những câu chuyện có chi tiết Artemis yêu Orion thì bà mới đưa ông lên trời. Các niềm tin về việc Artemis yêu Orion chỉ thực sự xuất hiện sau những phiên bản đầu tiên về tình bạn của họ.
Cặp sinh đôi Aloadae
Những người con trai của Iphidemia và Poseidon, Otos và Ephialtes, là hai anh em sinh đôi lớn lên với tốc độ phi thường. Họ mạnh mẽ, háu chiến và là những thợ săn tài ba, không thể bị giết trừ khi chính họ giết nhau. Sự phát triển của cặp anh em không bao giờ ngừng lại đến nỗi họ tự khoe rằng khi có thể chạm tay tới trời, họ sẽ bắt cóc Artemis và Hera đưa về làm vợ. Các vị thần đều khiếp sợ cặp sinh đôi, ngoại trừ Artemis. Bà đã dùng một con hươu tuyệt đẹp (hoặc theo một phiên bản khác, bà tự biến thành một con nai cái) nhảy ra dụ dỗ cả hai. Otos và Ephialtes ném giáo truy lùng con thú xinh đẹp và vô tình giết lẫn nhau.
Callisto
Callisto là con gái của Lycaon, vua Arcadia, và là một trong những người hầu thân cận của Artemis. Đồng hành cùng Artemis, cô đã thề giữ trọn trinh tiết như nữ thần. Sau đó, Zeus xuất hiện trước mặt Callisto dưới hình hài của Artemis, hoặc trong một số câu chuyện, Apollo chiếm được lòng tin, rồi lợi dụng cô. Kết quả của cuộc gặp gỡ là cô đã mang thai và sinh ra một cậu con trai tên Arcas.
Trong cơn giận dữ, Hera hay Artemis (một số tài liệu nói rằng cả hai) đã biến cô thành một con gấu. Arcas suýt giết con gấu, nhưng Zeus đã ngăn cản kịp thời. Tỏ lòng thương cảm, Zeus đã đưa Callisto trong hình thái con gấu lên thiên đàng, từ đó tạo thành chòm sao Callisto. Một số dị bản cho rằng thần đưa cả hai mẹ con Callisto lên trời dưới dạng gấu, tạo thành chòm sao Ursa Minor và Ursa Major.
Iphigenia
Artemis đã trừng phạt Agamemnon, vua thành Mycenae, sau khi ông giết một con hươu thiêng trong rừng và khoe khoang mình là thợ săn giỏi hơn nữ thần. Khi hạm đội Hy Lạp đang chuẩn bị rời cảng Aulis lên đường tấn công thành Troy, Artemis đã làm cho gió ngừng thổi khiến quân của ông mắc kẹt tại đây. Nhà tiên tri Calchas đã khuyên Agamemnon rằng cách duy nhất làm dịu Artemis là hy sinh con gái của ông, Iphigenia. Agamemnon, mặc dù vô cùng đau đớn, cuối cùng đồng ý hy sinh con gái. Tuy nhiên, Artemis đã cứu Iphigenia khỏi lễ hiến tế và thay thế cô bằng một con hươu. Sau đó, nhiều dị bản kể rằng cô được đưa đến Tauria và trở thành người dẫn dắt các thầy tế tại đó, một số khác lại cho rằng cô trở thành người bạn đồng hành bất tử của Artemis.
Niobe
Niobe là nữ hoàng Thebes và là vợ của Amphion. Bà luôn tự hào khoe khoang sự vượt trội của mình so với Leto về việc sinh được mười bốn người con xinh đẹp tài giỏi (bảy trai và bảy gái), trong khi Leto chỉ có một trai một gái. Khi Artemis và Apollo nghe được lời xúc phạm này, Apollo đã giết chết các con trai của Niobe khi chúng đang luyện tập thể thao, còn Artemis đã bắn con gái của bà, những cái chết ngay lập tức mà không hề tạo ra tiếng động bằng những mũi tên cực độc. Tuy nhiên, theo một số phiên bản, có hai trong số các con của Niobe, một trai và một gái, đã được tha mạng. Amphion, sau khi thấy những đứa con trai của mình đã chết, quá buồn bã nên đã tự sát. Còn Niobe thì đau đớn tột cùng, khóc lóc đến khi bị biến thành đá. Các vị thần đã chôn cất con của họ. Truyền thuyết này giải thích lý do vì sao những tượng đá lại có hai hàng nước chảy từ khóe mắt như thể “đang khóc”.
Chione
Chione là công chúa xứ Pokis, được cả hai vị thần Hermes và Apollo đem lòng yêu mến. Tự mãn khi nhận được tình cảm của hai nam thần đẹp trai, Chione khoe khoang khắp nơi rằng nhan sắc này còn vượt trội hơn cả nữ thần Artemis vì có thể khiến hai vị thần say mê cùng lúc. Cơn giận của Artemis bùng lên dữ dội, bà liền giết chết Chione bằng một mũi tên hoặc bắn đứt lưỡi cô để cô im lặng mãi mãi. Tuy nhiên, một số phiên bản khác cho rằng Apollo và Hermes đã bảo vệ Chione khỏi cơn thịnh nộ của Artemis.
Atalanta, Oeneus và dòng họ Meleagrids
Artemis đã cứu sống Atalanta từ khi cô mới lọt lòng và bị cha ruột bỏ rơi. Bà sai một con gấu cái đến cho Atalanta bú sữa và chăm sóc. Sau đó, Atalanta được các thợ săn nuôi dưỡng. Tuy nhiên, theo một số dị bản, Artemis lại gửi gấu đến làm hại Atalanta vì dân chúng cho rằng Atalanta là thợ săn giỏi hơn cả nữ thần.
Trong số những cuộc phiêu lưu của mình, Atalanta đã tham gia cuộc săn lùng Lợn Lòi Calydon. Đây là con thú hoang to lớn, hung dữ mà Artemis thả đến tàn phá vùng đất Calydon nhằm trừng phạt vua Oeneus vì ông ta đã quên cúng tế bà nhân mùa thu hoạch. Atalanta là người đầu tiên làm con lợn hoang bị thương nên được trao phần thưởng là bộ da lợn. Cô treo chiến lợi phẩm này tại một khu rừng thiêng ở Tegea như một sự dâng hiến và tạ lỗi với nữ thần Artemis.
Meleager, vị anh hùng vùng Aetolia,cũng được vua Oeneus triệu tập tham gia cuộc săn Lợn Lòi Calydon. Meleager chính là người đã giết chết con vật hung tợn đó, tuy nhiên bi kịch ập đến ngay sau. Khi Atalanta được trao phần thưởng nhờ chiến tích làm lợn bị thương đầu tiên, hai người cậu của Meleager không chấp nhận điều này, cho rằng một người phụ nữ không xứng đáng nhận vinh dự đó. Họ xúc phạm Atalanta, khiến Meleager tức giận và giết chết hai người cậu của mình. Hay tin, mẹ Meleager tên Althaea vô cùng phẫn nộ. Bà quyết định trả thù con trai bằng cách thiêu cháy khúc gỗ thần, được tiên tri năm xưa là gắn liền mạng sống của Meleager. Khi khúc gỗ cháy thành tro, Meleager cũng quằn quại trong đau đớn và qua đời. Nhận ra hành động bồng bột của mình, Althaea rất ân hận và tự sát sau đó.
Các chị em gái của Meleager, được gọi là Meleagrids, quá đau buồn vì cái chết của anh nên không ngừng khóc thương. Để xoa dịu nỗi đau của họ, Artemis biến các cô thành những con gà sao (guinea fowl), loài chim có tiếng kêu buồn bã và được nữ thần yêu quý.
Aura
Trong sử thi Hy Lạp cổ điển Dionysiaca của Nonnus, Aura là nữ thần Hy Lạp đại diện cho làn gió nhẹ và không khí mát lạnh, là con gái của thần tàng hình Lelantos và Periboia. Có tài săn bắn xuất sắc với lòng kiêu hãnh ngút trời, giống như Artemis, Aura luôn tự hào về sự trinh trắng và sức mạnh của mình. Cô khinh thường những gì mềm yếu, nên đã có lúc, cô chế giễu Artemis, nói rằng cơ thể của nữ thần quá nữ tính và nghi ngờ sự trinh nguyên của bà.
Cảm thấy bị xúc phạm, Artemis đã cầu xin nữ thần báo thù Nemesis bảo vệ danh dự cho bà. Nemesis đã làm phép khiến thần Dionysus say đắm Aura và cưỡng bức cô. Sau sự việc đầy đau đớn, Aura phát điên, mất kiểm soát và trở thành một kẻ sát nhân khát máu. Sau đó, Aura mang thai và đẻ ra cặp sinh đôi nhưng trong cơn điên loạn, cô ăn thịt một đứa trẻ. Đứa trẻ còn lại, Iakhos, được Artemis cứu và mang đi. Iakhos sau này trở thành người hầu cận của Demeter và là người dẫn dắt các Bí tích Eleusis (Eleusinian Mysteries) – một trong những nghi lễ tôn giáo huyền bí và thiêng liêng nhất của Hy Lạp cổ đại.
Cuộc chiến thành Troy
Artemis có thể được xem là người ủng hộ thành Troy vì thần Apollo, anh trai cô, bảo trợ cho thành phố này, và bản thân Artemis cũng được thờ phụng rộng rãi ở vùng Tây Anatolia (nơi thành Troy tọa lạc). Trong sử thi Iliad của Homer, Artemis đối đầu trực tiếp với Hera khi các vị thần đồng minh của người Hy Lạp và người Troy chiến đấu với nhau. Hera đánh vào tai Artemis bằng chiếc bao đựng cung của bà, làm rơi vô vàn mũi tên. Artemis chạy về phía Zeus và khóc, còn Leto, mẹ Artemis, đi thu thập cung tên.
Khi quân Hy Lạp chuẩn bị đến Troy, Artemis đã làm ngừng gió nhằm ngăn cản họ đi tiếp cho đến khi có một lời tiên tri nói rằng họ có thể lấy lòng nữ thần bằng cách hy sinh Iphigenia, con gái của Agamemnon. Có dị bản kể rằng do Agamemnon đã từng hứa hiến tế điều quý giá nhất của mình là Iphigenia, nhưng ông đã không giữ lời khiến nữ thần mới tức giận. Một số phiên bản cho biết chính ông khoe khoang về khả năng săn bắn của mình, làm Artemis phẫn nộ bắt ông phải dâng con gái. Trong các phiên bản phổ biến, Artemis sau đó đã cứu Iphigenia vì động lòng trước sự dũng cảm của cô. Artemis nhận Iphigenia làm người hầu bất tử, đồng hành trong các chuyến săn bắn hoặc biến cô thành Hekate, nữ thần của ma thuật và bóng tối.
Aeneas, vị anh hùng thành Troy, đã được Artemis, Leto và Apollo giúp đỡ. Khi Aeneas bị Diomedes đánh đến trọng thương, Apollo đã đưa anh lên thiên đàng, nơi ba vị thần chữa trị cho anh.
Artemis trong Nghệ thuật
Những hình ảnh đầu tiên về Artemis trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại miêu tả bà với hình tượng Potnia Theron (Nữ hoàng muôn loài): một nữ thần có cánh, tay cầm một con hươu và một con báo, hoặc đôi khi là một con báo và một con sư tử. Hình ảnh Artemis có cánh này tồn tại trong các vật thờ cúng, như Artemis Orthia, với một ngôi đền gần Sparta.
Trong nghệ thuật Hy Lạp cổ điển, Artemis được khắc họa là một nữ thợ săn trinh nguyên, trẻ trung, cao ráo và thon thả, mặc một chiếc váy ngắn với ủng săn, mang theo một chiếc bao tên, một cây cung và những mũi tên. Bà được vẽ trong tư thế sẵn sàng bắn và có thể đi cùng với một con chó săn hoặc một con hươu. Khi trong hình tượng nữ thần mặt trăng, Artemis mặc một chiếc áo dài và đôi khi có một chiếc mạng che đầu. Mặt tối của bà cũng được thể hiện trong một số bức tranh trên bình, nơi bà trong dạng nữ thần mang đến cái chết, với những mũi tên giết hại các thiếu nữ và phụ nữ, như các con gái của Niobe.
Chỉ trong nghệ thuật hậu cổ điển, chúng ta mới thấy hình ảnh Artemis (Diana trong thần thoại La Mã) đội vương miện hình trăng lưỡi liềm, như nữ thần mặt trăng Luna. Trong thế giới cổ đại, mặc dù đôi khi Artemis có sự liên kết với mặt trăng, bà chưa bao giờ được mô tả là chính mặt trang. Những bức tượng xưa cũ về Artemis được tìm thấy có hình ảnh trăng lưỡi liềm, nhưng đây đều là sự bổ sung của thời Phục Hưng.
Vào ngày 7 tháng 6 năm 2007, một bức tượng đồng từ thời La Mã của Artemis và con hươu đã được bán tại buổi đấu giá Sotheby ở tiểu bang New York với giá 25,5 triệu USD bởi Bảo tàng Nghệ thuật Albright-Knox.
Đặc điểm đặc trưng
Cung và mũi tên
Theo bài thánh ca Homer về Artemis, bà sở hữu một cây cung và mũi tên vàng, với danh hiệu Khryselakatos (Cung vàng) và Iokheira (Người mưa tên). Mũi tên của Artemis có thể gây ra cái chết đột ngột và bệnh tật cho các cô gái và phụ nữ. Artemis lần đầu tiên nhận được cung và mũi tên từ những Kyklopes, như món quà mà bà yêu cầu từ cha mình. Cây cung của Artemis cũng trở thành chứng nhân cho lời thề trinh tiết của Callisto. Trong một tín ngưỡng sau này, cây cung trở thành biểu tượng của mặt trăng đang tròn dần.
Xe ngựa
Xe ngựa của Artemis được làm bằng vàng và kéo bởi bốn con hươu vàng có sừng (Elaphoi Khrysokeroi). Cương xe ngựa cũng bằng vàng.
Mũi giáo, lưới và đàn lia
Mặc dù khá hiếm, Artemis đôi khi xuất hiện chúng với cây giáo để đi săn. Tín ngưỡng của Artemis ở Aetolia, Artemis Aetolian, đã mô tả bà với một ngọn giáo săn. Những ghi chép về cây giáo của Artemis có thể được tìm thấy trong tác phẩm Metamorphosis của Ovid, khi bà được xem như là nữ thần bảo trợ cho việc câu cá.
Là nữ thần của những điệu nhảy và bài hát cho các thiếu nữ, Artemis cũng đi liền với hình ảnh cây đàn lia.
Linh thú
Hươu
Hươu là loài động vật duy nhất được Artemis phong làm linh thú. Khi nhìn thấy con hươu lớn hơn bò, với cặp sừng sáng bóng, Artemis đã mê mẩn ngày loài động vật này và coi chúng là thú thiêng của mình. Hươu cũng là thú hoang đầu tiên mà Artemis săn bắt được. Bà đã bắt năm con hươu có sừng vàng gọi là Elaphoi Khrysokeroi và dùng chúng kéo xe ngựa. Nhiệm vụ thứ ba của Heracles trong The Twelve Labours of Heracles (Mười hai nhiệm vụ vĩ đại) do vua Eurystheus giao, chính là bắt sống con hươu Kerynitis của Artemis. Heracles đã cầu xin nữ thần tha thứ và hứa sẽ trả lại con hươu còn sống. Artemis đồng ý lời thỉnh cầu của Heracles , nhưng lại nhắm đến Eurystheus để trút giận.
Chó săn
Artemis nhận được những chú chó săn từ vị thần hoang dã Pan trong khu rừng Arcadia. Pan tặng thêm Artemis hai chú chó đen-trắng, ba chú chó màu đỏ, và một chú chó đốm – những loài thú có khả năng săn cả sư tử. Pan còn cho Artemis bảy con chó cái thuộc giống chó Arcadia tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, Artemis chỉ mang theo bảy con chó trong mỗi chuyến đi săn.
Gấu
Lễ hiến tế gấu cho Artemis bắt đầu từ tín ngưỡng ở Brauron. Mỗi năm sẽ có một cô gái từ năm đến mười tuổi được đưa đến đền Artemis ở Brauron. Theo nhà văn Byzantine Suites, trong “Arktos e Brauroniois”, tục lệ bắt nguồn từ việc Artemis thuần hóa một chú gấu và giới thiệu nó cho người dân Athens. Họ vui đùa với con gấu cho đến khi một nhóm cô gái trêu chọc quá mức khiến gấu tấn công. Một cậu em trai của một cô gái trong nhóm đã giết gấu để bảo vệ chị. Để trả thù, Artemis gây ra một bệnh dịch trong thành. Người Athens liền tìm đến đền thờ tiên tri để tìm cách chấm dứt dịch bệnh. Lời sấm truyền cho hay, để bù đắp cho cái chết của con gấu, tất cả các cô gái chưa kết hôn ở Athens phải phục vụ cho Artemis tại đền thờ, đóng vai “gấu” của nữ thần rồi mới được phép lấy chồng.
Lợn rừng
Lợn rừng là một trong những loài động vật yêu thích của các thợ săn và rất khó thuần hóa. Để tôn vinh tài săn bắn của Artemis, người ta đã hiến tế lợn rừng cho nữ thần. Oineus và Adonis đều đã bị lợn rừng của Artemis giết chết.
Gà sao
Artemis cảm thấy thương xót cho nỗi đau của các chị em của Meleager trước cái chết Meleager, vì vậy bà biến họ thành những con gà sao, loài động vật yêu thích của mình.
Diều hâu
Diều hâu là loài chim được nhiều vị thần yêu thích, trong đó có Artemis.
Cây thiêng
Cây cọ và cây bách có liên quan đến câu chuyện về nơi sinh của Artemis. Những giống thực vật thiêng liêng đối với Artemis còn có cây hoa bất tử và cây Asphodel.
Artemis với tư cách Nữ thần của Ephesus
Bài viết chính: Đền Artemis
Tại Ephesus, Ionia (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), đền thờ Artemis đã trở thành một trong Bảy Kỳ quan Thế giới Cổ đại. Đây là trung tâm thờ cúng nổi tiếng nhất của Artemis ngoài đảo Delos. Tại đây, qua cách diễn giải Hy Lạp (interpretatio graeca), Artemis được người Ionia liên kết và tôn thờ chủ yếu với vai trò một nữ thần mẹ, tương tự nữ thần Cybele của Phrygia. Bức tượng thờ của bà, được gọi là “Lady of Ephesus” (Qúy bà Ephesus), được khắc họa với nhiều hình cầu nhô ra trên ngực, thường được cho là biểu tượng của nhiều bầu sữa, trứng, nho, hạt sồi, hoặc thậm chí là tinh hoàn bò.
Trong cuộc khai quật tại Artemision năm 1987- 1988, người ta phát hiện nhiều hạt hổ phách hình giọt nước đã trang trí cho bức tượng gỗ cổ (xoanon) của bà. Theo sách Công Vụ Tông Đồ (Acts of the Apostles), các thợ kim hoàn ở Ephesus, cảm thấy bị đe dọa bởi lời rao giảng của Thánh Phaolô về Kitô giáo, đã nổi loạn đứng lên bảo vệ nữ thần và hô vang: “Vĩ đại thay Artemis của người Ephesus!”.
Trong số 121 cột của đền thờ, hiện chỉ còn một cột được ghép từ nhiều mảnh vỡ vẫn còn đứng vững để đánh dấu vị trí ngôi đền. Phần lớn các cột khác đã bị tháo dỡ và tái sử dụng để xây dựng nhà thờ, đường xá và pháo đài.
Artemis trong lĩnh vực Thiên văn học
Một số thiên thể và địa danh thiên văn đã được đặt tên theo nữ thần Artemis, bao gồm: tiểu hành tinh (105) Artemis, một miệng núi lửa trên Mặt Trăng, Artemis Chasma (địa danh đứt gãy trên sao Kim) và Artemis Corona (vùng trũng hình vương miện trên sao Kim).
Ngoài ra, ARTEMIS còn là từ viết tắt của cụm từ tiếng Pháp: “Architectures de bolometers pour des Telescopes à grand champ de vue dans le Domaine sub-Millimetrique as Sol”, tạm dịch là “Kiến trúc của bolometer cho kính thiên văn góc nhìn rộng trong dải sóng dưới milimet”. Đây là tên gọi của một máy ảnh bolometer lớn chuyên quan sát dải sóng dưới milimet, được lắp đặt năm 2010 tại APEX (Thí nghiệm Lối đi Atacama), nằm ở sa mạc Atacama phía bắc Chile.