APHRODITE

Aphrodite (tiếng Hy Lạp: Ἀφροδίτη) là Nữ thần của tình yêu, dục vọng, đam mê, sắc đẹp, tình dục, khoái lạc và sinh sản. Không chỉ yêu kiều lộng lẫy, bà còn thông minh duyên dáng. Trong hầu hết các câu chuyện thần thoại, bà được sinh ra từ bọt biển ở Paphos, trên đảo Cyprus, hình thành do bộ phận sinh dục của Uranus bị Cronus chém đứt và ném xuống biển. Tuy nhiên, trong những câu chuyện khác, bà lại là con gái của Thalassa (nữ thần đại dương nguyên thủy) và Uranus, trong khi có một số dị bản kể bà là con gái của nữ Titan Dione và Zeus. Tên gọi của bà trong thần thoại La Mã là Venus.

Aphrodite, tương tự như các vị thần khác, luôn có sự ưu tin bảo hộ một số cá nhân thần thoại có đặc điểm nổi bật về tình yêu và sắc đẹp giống những phẩm chất đặc trưng của bà. Như câu chuyện tình yêu trái ngang của Paris và Helen sau cuộc chiến thành Troy có sự giúp đỡ của nữ thần Sắc đẹp. Nhờ công của Aphrodite, Menelaus đã tha thứ cho sự phản bội của Helen và họ đã hòa giải.

Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của Aphrodite là về Pygmalion, một nhà điêu khắc và là Vua của Cyprus. Không đồng tình với thái độ sống tự do tự tại của phụ nữ trong thành, vô tình biến nơi này thánh chốn “bán hoa”, Pygmalion quyết định sống độc thân và tạo ra một bức tượng về hình mẫu phụ nữ lý tưởng. Sau đó, ông chìm đắm trong ảo tưởng và phải lòng bức tượng do bản thân đã làm. Aphrodite cảm thương Pygmalion và đáp ứng nguyện vọng, biến bức tượng thành một người phụ nữ sống động, với vẻ đẹp và đức hạnh mà ông đã tìm kiếm, đặt tên là Galatea. Pygmalion kết hôn với cô và chín tháng sau, họ có một cô con gái tên Paphos, người đã đặt tên cho đảo Cyprus.

Pygmalion và Galatea, Louis Gauffier (1761–1801)

Aphrodite
Bảo hộ Tình yêu, dục vọng, đam mê, khao khát, vẻ đẹp, tình dục, khoái lạc và sinh sản
Linh thú Chim bồ câu, ngỗng
Con cái Eros, Anteros,  Pothos, Himeros, Hermaphroditus, Hedylogos, Phobos, Priapus, Deimos, Harmonia, Rhodos, Herophile, Eryx (theo một số nguồn), Aeneas
Chồng Hephaestus
Tình nhân Ares, Adonis, HermesPoseidonDionysus, Anchises (cha của Aeneas)
Biểu tượng Chim bồ câu, vỏ sò, bọt biển, gương, thắt lưng, hoa hồng, rau diếp, táo, ngỗng, thỏ
Nơi tôn thờ chính Thành phố Corinth, đảo Cyprus, đảo Cytherea
Gia đình
Được sinh ra từ bộ phận sinh dục bị cắt của Uranus hòa với bọt biển, hoặc với nước biển của nữ thần đại dương Thalassa khiến bà mang thai; hoặc là con của Zeus và Dione
Cây linh thiêng
Cây sim (Myrtle), hoa hồng 
Nơi ở
Núi Olympus

 

Ngoài việc bảo vệ thứ tình yêu chân thành và say đắm của con người, nữ thần còn bảo vệ các thành viên trong gia đình mình, kể cả những người họ hàng xa như cô cháu gái Ino. Aphrodite đã cứu cô khỏi cơn thịnh nộ của Hera bằng cách biến cô thành một con chim. Aphrodite cũng ban sắc đẹp cho Coronides, hai cô con gái của Orion, sau cái chết của mẹ họ. Tương tự, bà chăm sóc hai cô con gái mồ côi Cleodora và Merope của Pandareus, một người bạn thân của Demeter, bị biến thành đá sau do cố gắng trộm đồng ở đền thờ Zeus. Tuy nhiên, khi Aphrodite cầu xin Zeus tìm kiếm những tấm chồng hạnh phục cho họ, các cô gái đã bị Furies (nữ thần báo thù) bắt đi để chuộc lại lỗi lầm của cha.

Thần thoại

Sự ra đời

Có hai giả thuyết nói về cách Aphrodite được sinh ra. Gỉa thuyết đầu tiên và phổ biến nhất cho biết, sau khi Uranus (thần Bầu trời nguyên thủy) bị Cronus đánh bại và cắt xẻo, ông ném phần lớn cơ thể của Uranus xuống vực sâu Tartaros, nhưng để đề phòng, ông cũng ném một phần cơ thể xuống biển. Những phần cơ thể này hòa vào dòng nước tạo thành vùng bọt biển lớn và nữ thần Aphrodite bước ra. Bà được ba nữ thần Graces (Ba Nàng Tiên) đưa áo choàng và chăm sóc.

Gỉa thuyết thứ hai ít phổ biến hơn kể Aphrodite là con gái của Zeus và Dione (một nữ Titan).

Sự ra đời của thần Venus, Sandro Botticelli, khoảng 1484–1486
Adonis

Có một lần, khi Aphrodite và con trai của mình, thần Tình yêu Eros, đang hôn nhau say đắm, một mũi tên tình yêu của Eros vô tình làm bà bị thương. Bà vội trấn an Eros và nói rằng chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, ngay sau đó, khi vừa nhìn thấy một chàng trai người phàm khôi ngô tuấn tú tên Adonis, bà lập tức mê đắm. Nhưng rồi do sự kiêu ngạo ngốc nghếch, dù đã được nữ thần cảnh báo, Adonis bị một con lợn rừng tấn công và giết chết. Sau khi anh qua đời, Aphrodite đã biến anh thành một bông hoa.

Venus và Adonis, Peter Paul Rubens, giữa những năm 1630

Trong những dị bản khác sau này, sau cái chết của Adonis, Aphrodite tìm cách xuống địa ngục và giao anh lại cho Persephone chăm sóc. Đến khi bà quay lại đòi Adonis, Persephone từ chối trao trả anh. Có thể là vì bà cũng đã yêu Adonis, hoặc vì tình mẹ trong bà trỗi dậy. Cuối cùng, họ đưa vụ việc lên thần Zeus phân xử. Zeus quyết định rằng Adonis sẽ dành bốn tháng ở với Persephone, bốn tháng với Aphrodite và bốn tháng còn lại theo ý anh. Adonis vẫn chọn ở bên Aphrodite.

Nguyên nhân cái chết của Adonis có thể là do thần Chiến tranh Ares, thần Săn bắn Artemis, thần Mặt trời Apollo hoặc chính Persephone tác động đến.

Cuộc chiến thành Troy

Aphrodite phần nào có thể được xét là người khơi mào cuộc chiến thành Troy. Mọi chuyện bắt đầu khi Aphrodite đưa ra lời hứa sẽ ban cho Paris, hoàng tử thành Troy, tình yêu của người phụ nữ đẹp nhất trần gian Helen nếu anh chọn bà làm nữ thần kiều diễm nhất. Paris đã chọn Aphrodite và điều này gây ra một cuộc chiến ngầm giữa các vị thần. Chưa kể đến, lúc đó Helen đã là vợ của vua Menelaus xứ Sparta. Việc Paris và Helen yêu nhau do sự sắp xếp của Aphrodite không chỉ gây ra nhiều vấn đề lớn trên đỉnh Olympus mà còn là sự khởi nguồn xung đột giữa người thành Troy và Hy Lạp.

Hôn nhân với Hephaestus

Dựa trên một phiên bản chính thống về lịch sử của Aphrodite, vì bà quá rạng ngời xuất chúng, Zeus lo sợ sẽ có nhiều cuộc tranh giành đấu đá giữa các vị thần nam trên đỉnh Olympus. Để tránh điều đó, thần Zeus yêu cầu Aphrodite phải kết hôn với Hephaestus, vị thần rèn xấu xí, tật nguyền và không có khiếu hài hước. Một phiên bản khác kể rằng cuộc hôn nhân giữa Aphrodite và Hephaestus là một lời hứa của nữ thần Hera. Sau khi sinh ra Hephaestus, Hera liền ném ông khỏi Olympus do cho rằng ông quá xấu xí và biến dạng để có thể sống cùng các vị thần. Khi trưởng thành, Hephaestus trả thù mẹ mình bằng cách chế tạo một chiếc ngai vàng ma thuật khiến bà bị mắc kẹt trên đó. Để đổi lấy sự giải thoát, Hera hứa sẽ gả Aphrodite cho Hephaestus. Ông sau đó đã tạo ra cho nữ thần Sắc đẹp rất nhiều món trang sức tinh xảo, trong đó có chiếc “cestus”, là một chiếc thắt lưng vàng khiến bà càng trở nên quyến rũ hơn trong mắt các nam thần.

Parnassus, Andrea Mantegna, 1497

Aphrodite vô cùng phẫn nộ với cuộc hôn nhân sắp đặt nên đi tìm kiếm những mối tình ngoài luồng, nổi bật nhất là với Ares. Bài ca sử thi của các nghệ sĩ hát rong tại phòng của Alcino có mô tả việc Helios, thần mặt trời, đã bắt gặp Ares và Aphrodite đang tình tứ say mê trong lâu đài của Hephaestus. Ngay lập tức, Helios đã báo cáo vụ việc lại cho Hephaestus. Ông liền chế tạo một chiếc lưới mỏng, chắc chắn bằng kim cương nhằm bẫy hai kẻ phản bội. Nhân thời điểm thích hợp, Hephaestus ném lưới ra khiến Ares và Aphrodite dính bẫy, không thể chạy thoát. Nhưng Hephaestus vẫn chưa hài lòng với sự trả thù của mình. Ông kéo họ lên đỉnh Olympus và mời các vị thần chiêm ngưỡng hành động đáng xấu hổ của họ. Một số người khen ngợi vẻ đẹp của Aphrodite, một số khác lại khao khát được thay thế Ares, nhưng tất cả đều cười nhạo và chế giễu cả hai. Khi cặp đôi thoát ra ngoài, Ares xấu hổ bỏ chạy về quê hương Thrace, còn Aphrodite thì chạy trốn đến đảo Cyphurs.

Aeneas chạy trốn khỏi thành Troy, Federico Barocci, 1598

Khi thành Troy đi đến bờ vực sụp đổ trong cuộc chiến thành Troy, Aphrodite đã nói với con trai mình, Aeneas, rằng anh phải ngay lập tức mang cha và vợ rời khỏi thành. Dưới sự hướng dẫn của Aphrodite, Aeneas đã du hành qua nhiều vùng đất quanh biển Địa Trung Hải, cuối cùng đến bán đảo Ý, nơi hậu duệ của anh xây dựng thành Rome. Câu chuyện này được kể trong Aeneid của Virgil, tác phẩm sử thi vĩ đại nhất của văn học La Mã. Từ câu chuyện này, Venus (tên La Mã của Aphrodite) được xem là nữ thần bảo trợ cho Rome. Một câu chuyện khác kể rằng khi Juno (tên La Mã của Hera) cố gắng mở cánh cửa thành Rome để quân xâm lược tràn vào, Venus đã tìm cách phá hoại kế hoạch bằng việc chặn lối đi bằng nước.

Người tình

Những giai thoại nổi tiếng nhất về nữ thần Aphrodite đều xoay quanh tình yêu với thần thánh và cả phàm nhân, nổi bật nhất là Ares và Adonis, và điều này gây ra sự căm ghét dữ dội từ Hera, vợ của Zeus và mẹ của Ares. Khi biết Aphrodite mang thai con của Zeus, Hera tàn nhẫn đặt tay lên bụng nữ thần và nguyền rủa đứa con ra đời bị dị dạng. Đứa trẻ ấy là Priapus, vị thần sinh thực. Dẫu vậy, một số phiên bản khác lại cho rằng Priapus là con của Dionysus hoặc Adonis.

Aphrodite cũng từng có những người tình thần thánh khác như Hephaestus, Dionysus và Hermes. Bà và Dionysus có thời gian yêu đương ngắn ngủi, “chia sẻ mọi thứ chung” và người con trai Iacchus. Với Hermes, bà sinh ra Hermaphroditus – biểu tượng cho sự hòa hợp giữa nam và nữ. Đặc biệt, bà còn có mối quan hệ gần gũi với Poseidon do mang ơn ông cho hành động thuyết phục Hephaestus giải thoát bà và Ares. Cả hai có với nhau Rhode và Herophile.

Trong số tất cả, mối tình sâu đậm và lâu dài nhất của Aphrodite là với Ares, vị thần chiến tranh. Trong tác phẩm sử thi Iliad của Homer, Ares được miêu tả như người bạn đời gắn bó nhất với bà. Họ có bảy người con, gồm Phobos (Sợ hãi), Deimos (Kinh hoàng), Harmonia (Hòa hợp) và bốn Erotes (vị thần khía cạnh tình yêu): Eros (Tình yêu), Anteros (Tình yêu không được đáp lại), Himeros (Khát khao) và Pothos (Nhung nhớ). Tuy nhiên, nhiều thần thoại khác cho rằng Aphrodite đã tự mình sinh ra Eros mà không cần đến Ares.

Venus và Anchises, Benjamin Robert Haydon, 1826

Aphrodite không chỉ quyến rũ các vị thần mà còn say đắm cả phàm nhân. Adonis, được xem là tình yêu vĩ đại nhất của bà, đã có với bà hai người Golgos và Beroe – người sau này đặt tên cho thủ đô Beirut của Lebanon. Anchises, hoàng tử thành Troy, cũng là một trong những người tình nổi tiếng. Truyền thuyết kể rằng Zeus đã khiến Aphrodite phải lòng Anchises như một sự trả thù vì bà đã khiến các vị thần yêu say đắm phụ nữ trần gian. Từ mối tình này, bà sinh ra Aeneas – người anh hùng thành lập dòng dõi La Mã, và Lyrus. Dù tình yêu dành cho Anchises sớm phai nhạt, bà vẫn luôn bảo vệ ông và các con.

Ngoài ra, Aphrodite còn có những mối tình ít được nhắc đến hơn, như Phaethon, người canh giữ đền thờ của bà ở Athens, sinh ra Astynous. Bà cứu Butes, một trong các Argonauts (nhóm anh hùng nổi tiếng), và đưa ông đến một hòn đảo xa xôi, nơi họ có người con Eryx. Một nhân vật khác luôn đi cùng bà là Daimon Himeros – hiện thân của dục vọng, đôi khi được xem là con gái của Aphrodite, nhưng cha của cô lại không được nhắc đến rõ ràng.

Quyền lực và sức mạnh

Venus Verticordia, Dante Rossetti, 1864 – 1868

Aphrodite là nữ thần của tình yêu, sắc đẹp, niềm vui, dục vọng, ân sủng và tình dục. Mặc dù chỉ bảo hộ tình yêu và vẻ đẹp, bà là một trong những vị thần quyền lực nhất trên đỉnh Olympus, vì bà nắm giữ được quyền kiểm soát đối với ngoại hình, tình yêu và ham muốn. Bà cũng có khả năng biến đổi diện mạo thành bất kỳ hình thái nào bà mong muốn.

Trong giai đoạn đầu ở Rome, Aphrodite được coi là nữ thần của sự tươi tốt và cây cối. Bà bảo vệ các khu vườn và vườn nho, nhưng sau khi người La Mã tiếp xúc với nền văn hóa Hy Lạp, họ nhận ra rằng bà không phải là nữ thần nông nghiệp. Trong khi người Hy Lạp xem bà là nữ thần của niềm kiêu hãnh và tự mãn về sắc đẹp, người La Mã tôn thờ bà như một hình mẫu của sự nghiêm khắc và kiên cường, đại diện cho tổ tiên vĩ đại của quốc gia họ.

Người giám hộ của Rome

Trong cuộc hủy diệt thành Troy, Aphrodite dặn dò con trai mình, Aeneas, phải mang theo cha và vợ, rời khỏi thành troy ngay lập tức. Aeneas làm theo lời mẹ và lên đường. Dưới sự hướng dẫn của Venus (tên La mã của Aphrodite), ông lang thang khắp biển Địa Trung Hải cho đến khi cập bến tại bán đảo Ý, nơi mà con cháu của ông xây dựng thành Rome. Câu chuyện này được ghi lại trong Aeneid của Virgil, tác phẩm sử thi vĩ đại nhất của văn học La Mã. Từ đó, Venus được xem là nữ thần đỡ đầu của Rome. Bà còn bảo vệ Rome khỏi kế hoạch phá hoại của Juno (tên La Mã của Hera), khi nữ thần cố gắng mở cổng Rome cho quân xâm lược vào thành.

The Lusiads

The Lusiads là tác phẩm thơ vĩ đại của nhà văn Luís Vaz de Camões, kể lại câu chuyện của đất nước Bồ Đào Nha, trong đó Venus (Aphrodite) được mô tả như nữ thần bảo trợ của người Bồ Đào Nha. Venus nhìn nhận người Bồ Đào Nha như những người thừa kế của La Mã, nơi bà được tôn thờ và có ảnh hưởng mạnh mẽ. Camões, với sự đam mê mãnh liệt đối với tình yêu và những giá trị lãng mạn, đã phản ánh những cảm xúc và lý tưởng này trong các tác phẩm của mình. Chính vì thế, ông đã chọn Venus (tên La Mã của Aphrodite) làm hình mẫu và người bảo vệ cho dân tộc Bồ Đào Nha trong The Lusiads.

Câu chuyện tiếp tục với một cuộc tranh luận gay gắt giữa các vị thần trên đỉnh Olympus, khi Bacchus (Dionysus) và Venus (Aphrodite) tìm cách lợi dụng tình hình để đạt được lợi ích riêng. Tuy nhiên, Mars (Ares), vị thần chiến tranh mạnh mẽ, đã lên tiếng và áp đảo cuộc tranh luận, khiến Apollo phải im lặng. Venus, với niềm đam mê và sự ngưỡng mộ dành cho các chiến binh, khẳng định rằng người Bồ Đào Nha không chỉ xứng đáng với chiến công của mình mà còn vì Jupiter (Zeus) đã hứa ban cho họ ân huệ và điều này không thể thay đổi. Cuối cùng, Jupiter đồng ý với ý kiến của Venus và kết thúc cuộc hội nghị.

Tính cách và ngoại hình

Tượng Venus de Milo, thế kỷ thứ 2 TCN

Aphrodite là một nữ thần kiêu kỳ, luôn tự hào về vẻ đẹp và coi thường sự xấu xí. Bà có chút nông cạn, kiêu ngạo và hay ghen tuông. Aphrodite cũng không chung thủy và có nhiều mối quan hệ ngoài luồng như Ares, Poseidon, Hermes và Dionysus. Bà có khả năng khiến bất kỳ ai phải lòng người khác, ngay cả thần Zeus tối cao cũng không thể thoát khỏi sức mạnh của bà. Aphrodite sở hữu quyền lực rất lớn đối với dục vọng. Bà được miêu tả là một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, mặc những bộ trang phục mỏng manh. Mỗi bộ phận cơ thể của bà đều được xem là hoàn hảo cho tiêu chuẩn cái đẹp. Bà thường được thấy đeo nhiều món trang sức xa hoa và đội vương miện hoặc diadem, được kết từ vô số viên đá quý hiếm.

  • Thắt lưng ma thuật (biểu tượng)
  • Hoa hồng (biểu tượng)
  • Gương (biểu tượng)
  • Cá heo (linh thú)
  • Ngỗng (linh thú)
  • Thỏ (linh thú)
  • Chim sẻ (linh thú)
  • Cây myrtle (cây thiêng)
  • Cây táo (cây thiêng)
  • Rau diếp (cây thiêng)
  • Lựu (cây thiêng)

Mối quan hệ

  • Mẹ: Thalassa hoặc Dione (nữ Titan)
  • Cha: Uranus hoặc Zeus
  • Chồng: Hephaistos
  • Tình nhân: Ares
  • Con với Anchises: Aeneas
  • Con với với Ares: Eros, Anteros, Himeros, Harmonia, Phobos và Deimos
  • Con với Poseidon: Herophile, Urea và Eryx
  • Con với Hermes: Hermaphroditos
  • Con với Dionysus: Priapus
  • Tên La Mã: Nữ thần Venus

Để lại một bình luận