HERA

Hera (tiếng Hy Lạp: Ἥρᾱ) là nữ thần Hy Lạp bảo trợ phụ nữ, hôn nhân, sinh nở, bầu trời, không khí, vương quyền và thiên đường sao. Bà là con gái út của Cronus và Rhea, đồng thời là chị gái và cũng là người vợ cuối cùng của Zeus. Chính vì thế, Hera được tôn vinh là Nữ hoàng của đỉnh Olympus và Nữ hoàng của các vị thần. Con bò và con công được xem là những linh thú đặc trưng của bà.

Có một thần thoại truyền miệng nói rằng, nếu được Hera ban phước, bạn sẽ không phải lo lắng bất cứ điều gì liên quan đến các mối quan hệ tình cảm.

Hera trị vì với tư cách là vợ của thần Zeus. Người Hy Lạp cổ đại tin rằng nếu tôn kính cả Hera lẫn Zeus, bạn sẽ được nhận nhiều phúc lành, và điều này đã được lưu truyền qua hàng thế kỷ như một bí mật thiêng liêng.


Hera
Tên khác Juno, Nữ hoàng của sự bất tử, Nữ hoàng của các vị thần, Nữ hoàng của đỉnh Olympus, Nữ hoàng thiên đàng
Bảo hộ Phụ nữ, hôn nhân, gia đình, sinh nở, bầu trời, không khí, vương quyền và thiên đường đầy sao
Linh thú Bê cái, con công, con cúc cu, sư tử, báo
Con cái Hebe, Eileithyia, Ares, Angelos, Enyo, Hephaestus và Eris
Bạn đời Zeus
Biểu tượng
Lựu, vương miện, trượng hoa sen
Gia đình

Cronus và Rhea (cha mẹ)

 

Thần thoại

Hera cai quản và sắp đặt hôn nhân theo trật tự đúng đắn. Những đứa con chính thống của bà với thần Zeus bao gồm:

  • Ares (nam thần chiến tranh)
  • Hebe (nữ thần tuổi trẻ)
  • Eris (nữ thần bất hòa)
  • Eileithyia (nữ thần sinh nở)
  • Enyo (nữ thần chiến trận)
  • Angelos (một nữ thần cõi âm)
  • Hephaestus (thần thợ rèn và chế tác).

Theo truyền thuyết, Hera đã sinh ra Hephaestus mà không cần đến Zeus vì bà ghen tị với tình yêu mà Zeus dành cho đứa con gái Athena. Tuy nhiên, khi nhìn thấy vẻ ngoài xấu xí của Hephaestus, Hera đã ném ông khỏi đỉnh Olympus. Để trả thù Hera vì đã bỏ rơi, Hephaestus chế tạo một chiếc ngai vàng tinh xảo, giáu bên trong là chiếc bẫy có thể trói chặt Hera và không cho bà rời khỏi. Theo lệnh của Zeus, các vị thần khác đã cầu xin Hephaestus thả Hera, nhưng ông vẫn nhất quyết từ chối. Về sau, Dionysus tìm đến Hephaestus, chuốc say rượu và thuyết phục ông giải thoát nữ thần khỏi chiếc ngai vàng. Sau khi Hera được thả, Zeus đã ban Aphrodite làm vợ của Hephaestus như một phần thưởng.

Cú ngã của Hephaestus, C. Van Poelenburg, thế kỷ 17
Thời thơ ấu

Hera là con gái của cặp đôi Titan Cronus và Rhea. Vì lo sợ bị các con mình lật đổ, Cronus đã nuốt chửng tất cả những đứa con ngay khi vừa sinh ra. Duy chỉ có người em trai Zeus thoát khỏi số phần bi thảm nhờ mưu kế của Đất mẹ Gaia và Rhea. Khi trưởng thành, để cứu các anh chị em của mình, Zeus đưa cho Rhea một loại hỗn hợp gồm mù tạt, rượu vang và thảo mộc để đưa cho Cronus uống. Tưởng rằng đó là vị thuốc thần thánh khiến bản thân trở nên bất khả chiến bại, Cronus nốc cạn và bị trúng độc, nôn ra các con đã nuốt dưới hình hài đã trưởng thành, bao gồm cả Hera. Theo thần thoại, vốn tất cả thần đều bất tử nên họ có thể sống sót và tiếp tục lớn lên trong dạ dày Cronus. Cuối cùng, Zeus đã dùng chính chiếc liềm của Cronus, chém ông thành từng mảnh và ném xuống vực sâu Tartarus, chấm dứt ách thống trị tàn ác thế hệ Titan đầu tiên.

Trở về Olympus

Sau khi trận chiến Titan (Titanomachy) kết thúc, Zeus đã cầu hôn Hera và bày tỏ ý muốn bà trở thành hoàng hậu. Nữ thần Hera đã từ chối vì bà biết rõ về bản chất lăng chăng của ông cũng như danh tính những người vợ, người tình khác. Tuy nhiên, Zeus không từ bỏ và dùng một mưu kế vô cùng tinh vi. Thần tự tạo ra một cơn bão lớn và biến hình thành một con chim cu lôi thôi, ướt sũng gặp nạn đậu ngay bên cửa sổ của Hera. Thương cảm trước tình cảnh tội nghiệp, Hera đã ôm chú chim vào lòng để sưởi ấm. Ngay lúc đó, Zeus trở lại hình dạng ban đầu và ép buộc Hera. Để che giấu sự xấu hổ, Hera đồng ý kết hôn với Zeus, dù bà không thực sự yêu vị thần này.

Chân dung Zeus và Hera, Peter Paul Rubens, 1622-1625
Hephaestus

Sau khi được sinh ra, Hephaestus lại mang dáng vẻ xấu xí và tật nguyền khiến Hera vô cùng thất vọng. Trong cơn giân dữ, nữ thần đã ném đứa trẻ Hephaestus ra khỏi đỉnh Olympus. Ông rơi xuống một hòn đảo xa xôi, và do cú ngã, đôi chân của ông bị thương nặng và không thể chữa trị, để lại cho Hephaestus một dáng đi khó khăn. Cuộc sống của Hephaestus từ đó gắn liền với hòn đảo mà ông rơi xuống, trở thành địa điểm thiêng liêng và là quê hương của vị thần thợ rèn này.

Leto
Sự ra đời của Apollo và Artemis, Marcantonio Franceschini (1648–1729)

Khi Hera phát hiện Leto mang thai con của Zeus, bà đã ra lệnh cho tất cả vùng đất không được cho Leto đến trú ẩn để sinh con. Xót thương cho tình cảnh của Leto, người anh trai của Hera và Zeus, thần đại dương Poseidon đã tạo ra một hòn đảo mới chưa gắn liền với đất liền, không bị ảnh hưởng bởi mệnh lệnh của Hera để bà ở đây lâm bồn. Leto đã đến hòn đảo này và nằm dưới tán cây cọ để hạ sinh cặp sinh đôi nổi tiếng, ApolloArtemis.

Nhận được tin hai vị thần ra đời thành công, Hera sai con quái vật rắn Python đi quấy rối và tấn công Leto. Apollo đã giết chết nó để bảo vệ mẹ mình.

Vài năm sau, Hera tiếp tục sai gã khổng lồ Tityos đi cưỡng hiếp Leto, nhưng gã này đã thất bại thảm hại và bị Apollo cùng Artemis tiêu diệt.

Semele

Biết được Zeus đã làm Semele, một công chúa người phàm, mang thai, Hera liền cải trang thành một bà lão và đến gặp Semele. Trong hình dạng này, Hera hỏi tại sao thời điểm bầu bì khó khăn, cha của đứa bé lại không ở bên cạnh Semele. Cô khẳng định rằng cha của đứa trẻ chính là Zeus, Vị Chúa Tể Bầu Trời vĩ đại nhất. Giả vờ ngạc nhiên, Hera nói rằng có rất nhiều người đàn ông tự nhận mình là Zeus và để chắc chắn, Semele nên yêu cầu Zeus xuất hiện trong hình dạng thật sự của thần.

Zeus, Semele và Hera, Erasmus Quellinus II hoặc Jan Erasmus Quellinus, thế kỷ 17

Khi Zeus đến bên cạnh Semele, cô khăng khăng muốn thần thề trên sông Styx sẽ ban cho cô một điều ước. Zeus không thể chối từ và vô cùng kinh hãi khi biết cô muốn ông bộc lộ hình dáng thật. Dù Zeus cầu xin rất nhiều lần, cô vẫn kiên quyết. Buộc phải giữ lời, Zeus hiện nguyên hình với vẻ uy nghiêm và hào quang thần thánh, khiến Semele lóa mắt và bị thiêu cháy ngay lập tức.

Zeus sau đó nhanh chóng lao xuống thế giới địa ngục của Hades và cứu đứa con chưa ra đời. Thần đặt đứa trẻ vào bắp đùi mình để bảo vệ đến ngày chào đời. Khi đứa trẻ, Dionysus, được sinh ra, Zeus đã giao cậu bé cho Hermes, nhờ đưa đến một thung lũng xa xôi có tên Nysa để ẩn náu khỏi cơn thịnh nộ của Hera.

Hermes liền đưa Dionysus đến đúng địa điểm và giao cậu cho các Nymphs (thần nữ của thiên nhiên) chăm sóc. Tại đây, Dionysus được chăm sóc và nuôi dưỡng cùng hổ và báo, lớn lên giữa tình thương và sự bảo vệ của họ.

Hình phạt của Ixion

Ixion là con trai của thần Ares hoặc vị vua Antion và là một vị vua của người Lapiths ở Thessaly. Hắn nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp với những tội lỗi khủng khiếp đến con người, thần thành và phải chịu nhiều hình phạt kinh hoàng. Sau khi bị cả vương quốc ruồng bỏ vì giết hại cha vợ Deioneus nhằm trốn tránh trách nhiệm, Ixion đã được thần Zeus tha thứ và mời lên đỉnh Olympus để chuộc lại lỗi lầm.

Tuy nhiên, Ixion không chỉ không ăn năn hối cải mà còn đem lòng thèm khát Hera, vợ của Zeus. Sau khi phát hiện ý đồ và muốn thử lòng hắn ta, thần Zeus đã tạo ra một đám mây có hình dáng giống Hera, gọi là Nephele. Ixion đã phạm tội tày trời bằng cách tỏ tình và quan hệ với đám mây, sinh ra Centaurus, tổ tiên của loài nhân mã. Phẫn nộ trước hành động ngông cuồng và phạm thượng, Zeus bắt trói Ixion vào một bánh xe rực lửa và bánh xe này sẽ xoay mãi không ngừng, để hắn phải chịu đựng nỗi đau mãi mãi trên bầu trời.

Ixion, Vua của người Lapiths, bị Juno lừa dối, người mà ông ta muốn quyến rũ, Peter Paul Rubens (1577–1640)
Lựa chọn của Paris

Tại lễ cưới của vị vua người Thessaly – Thetis và nữ thần biển Peleus, tất cả các vị thần đều được mời tham dự, ngoại trừ nữ thần bất hòa Eris. Tức giận vì bị ngó lơ và xem thương, Eris đã ném một quả táo vàng vào bữa tiệc, trên đó khắc dòng chữ “Dành cho người đẹp nhất”. Cả ba nữ thần Hera, Athena và Aphrodite đều tuyên bố quả táo thuộc về mình. Không thể quyết định xem ai xứng đáng, họ đã nhờ đến Zeus phân xử. Tuy nhiên, Zeus chuyển quyền quyết định cho Paris, một người chăn cừu phàm trần đồng thời là hoàng tử thành Troy.

Mỗi nữ thần đều đưa ra lời hứa to lớn nhằm thuyết phục Paris. Với Hera, bà hứa ban quyền lực và vương quốc rộng lớn. Athena sẽ trao trí tuệ và khả năng chiến thắng trong mọi chiến trận của anh. Phía Aphrodite, cô sẽ gả Helen – người phụ nữ đẹp nhất trần gian – làm vợ của anh. Cuối cùng, Paris đã chọn Aphrodite, từ đó khởi xướng cuộc chiến thành Troy đầy bi kịch.

Câu chuyện thần thoại Hy Lạp này còn có một cái tên nổi tiếng và phổ biến khác là Qủa táo vàng (Golden Apple).

Golden Apple of Discord (Qủa táo vàng bất hòa), Jacob Jordaens, giữa 1630s
Gerana

Có một người phụ nữ người thường tên là Gerana. Bà chính là Nữ hoàng của tộc người Pygmy. Người Pygmy tôn thờ bà như một vị thần, dành tất cả sự tôn kính lớn lao qua những lời cầu nguyện và nghi lễ hiến tế. Thời gian trôi qua, Gerana ngày càng kiêu ngạo và khinh thường thánh thần. Bà tự cho mình sắc nước hương trời, một vẻ đẹp không đối thủ và thậm chí còn tuyên bố bà đẹp hơn cả nhiều nữ thần Olympus như Athena, Artemis, Hera và Aphrodite.

Khi bốn nữ thần biết được lời phát biểu ngông nghênh này, họ vô cùng tức giận. Tuy nhiên, ba nữ thần gồm Athena, Artemis và Aphrodite quyết định giao cho nữ hoàng tối cao Hera toàn quyền xử lý. Để trừng phạt Gerana, Hera đã biến bà thành một con hạc, đồng thời ra lệnh những con chim hậu duệ của Gerana sẽ mãi mãi chiến đấu với người Pygmy mỗi khi họ di chuyển trên sông Oceanus.

Aegina

Truyền thuyết kể rằng Zeus đã biến thành một con đại bàng (hoặc một ngọn lửa lớn, trong tác phẩm Metamorphoses của nhà thơ La Mã Ovid) và bắt cóc Aegina, con gái của vị thần sông Asopus. Thần Zeus mang cô đến một hòn đảo gần Attica, lúc đó được gọi là Oenone. Từ đó, hòn đảo này được biết đến với tên gọi của cô.

Cha của cô sau đó đã đuổi theo. Cuộc tìm kiếm đưa ông đến Corinth, nơi Sisyphus đang làm vua. Sisyphus phát hiện một con chim khổng lồ mang theo một thiếu nữ bay về một hòn đảo gần đó nên đã thông báo cho Asopus. Biết được vị thần sông đã phát hiện ra hòn đảo, Zeus ném tia sét đe dọa Asopus phải quay về vùng nước của mình. Cuối cùng, Aegina sinh ra đứa con trai Aeacus, người sau này trở thành vua của hòn đảo.

Tuy nhiên, khi Hera nhận được tin về Aeacus, bà đã rất tức giận và ghen tị. Hera liền phái hai con rắn đầu độc nguồn nước của hòn đảo, dẫn đến cái chết của toàn bộ dân cư đang sinh sống.

Cydippe

Theo truyền thuyết, Cydippe là nữ tư tế trong đền thờ nữ thần Hera. Bà có hai người con trai tên Cleobis và Biton. Một ngày nọ, thành phố tổ chức buổi lễ lớn và long trọng nhằm tôn vinh Hera. Khi đôi bò của Cydippe không thể tìm thấy, hai đứa con đã quyết định lấy thân thể ghép vào cỗ xe và kéo mẹ đi sáu dặm đến đền thờ nữ thần. Khi đến nơi, Cydippe cầu nguyện với Hera ban cho con bà sức mạnh và lòng trung thành. Hera lắng nghe lời cầu nguyện và liền đáp lại theo một cách vô cùng đặc biệt. Bà đã ban cho đôi trai tài tử cái chết kèm danh hiệu “hạnh phúc nhất” trong số những con người.

Cleobis và Biton với Cydippe ở phía trước đền Hera, Jean Bardin, 1764
  • Giải thích

Câu chuyện này có thể hiểu rằng (hoặc qua hành động của Hera muốn chứng minh cho ta thấy):

Hạnh phúc của con người không thể đo bằng sự giàu có hay sức mạnh, sự sống dài lâu mà chính là sự an lạc trong cuộc sống, và đôi khi đó là sự thanh thản trong cái chết. Từ “hạnh phúc” trong tiếng Hy Lạp cổ được phiên dịch là “eudaimonia”. Từ này không dùng để chỉ cảm xúc mà nói về những vận may, sự bình yên tổng thể mà một người có được trong cuộc sống của họ.

Ngoại hình và tính cách

Bức tượng điêu khắc Barberini Hera (Ἥρᾱ) của người La Mã sao chép tác phẩm gốc của người Hy Lạp cổ, Agoracritus (Ἀγοράκριτος), học trò của Phidias (Φειδίας), cuối thế kỷ 5

Hera thường được miêu tả là một nữ thần cao lớn, uy nghiêm, với vương miện trên đầu hoặc một vòng hoa, tay cầm cây quyền trượng. Bà được cho là vô cùng xinh đẹp, nhưng vẻ đẹp của bà khác biệt hoàn toàn so với nữ thần Aphrodite. Trong tác phẩm Iliad của nhà thơ Hy Lạp cổ đại Homer, ông đã miêu tả bà có “mắt bò” và “tay trắng”, nghĩa là đôi mắt bà lớn và dịu dàng, màu nâu đậm, với ánh nhìn khiến bao người say đắm. Làn da bà trắng sáng và mịn màng, tinh khiết như ngà voi. Thực tế, Zeus (một người rất sành sắc đẹp phụ nữ) đã từng thừa nhận trong một khoảnh khắc mãnh liệt rằng Hera là người phụ nữ đẹp nhất trong tất cả các tình nhân và chỉ có bà mới có thể khơi dậy niềm khoái lạc cực độ trong sâu thẳm.

Hera nổi tiếng là một nữ thần đầy ghen tuông. Bà rất dễ nổi giận và cảm thấy bị xúc phạm chỉ bởi những điều nhỏ nhặt. Ngai vàng, cỗ xe và đôi dép của bà đều được làm từ vàng ròng. Bà sẽ nổi cơn thịnh nộ và biến mái tóc của những ai dám khoe khoang vẻ đẹp vượt trội hơn bà thành những con rắn độc.

Tầm ảnh hưởng, quyền lực và sức mạnh

Trong xã hội Hy Lạp cổ đại, Hera được xem là một nữ thần tối cao và bất tử. Bảo hộ nhiều khía cạnh của phụ nữ, Hera có được quyền kiểm soát tuyệt đối về khả năng sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Bà có thể khiến phụ nữ trên trái đất phải chịu đựng những cơn đau dữ dội trong suốt chu kỳ kinh nguyệt; có thể làm phụ nữ trở nên vô sinh; có khả năng giúp nhiều phụ nữ mang thai cùng một lúc (dù có hay không có sự giao phối tình dục). Bà còn có quyền quyết định liệu một đứa trẻ phàm trần có được sinh ra cũng như người phụ nữ mang thai ấy sẽ hạ sinh một đứa trẻ xấu xí, yếu đuối hay một đứa con khỏe mạnh và khôi ngô, tùy thuộc vào mong muốn và tâm trạng của bà.

Với vai trò nữ thần gia đình, nếu bị xúc phạm, Hera sẽ tạo ra sự xung đột bất hòa giữa các gia đình, hộ gia đình và cặp vợ chồng. Tuy nhiên, nếu được tôn thờ và kính trọng, bà có thể ban tặng hạnh phúc gia đình, tình yêu, hòa bình, tài lộc và may mắn.

Junon, Louis-Jacques Dubois, 1650

Là nữ hoàng cai quản các vị thần, Hera có quyền ra lệnh cho bất kỳ vị thần, người phàm, động vật hoặc sinh vật nào thực hiện ý muốn của mình. Thậm chí bà có đủ quyền lực để ép buộc nhiều vị thần Olympian phải làm theo mệnh lệnh, ngoại trừ Zeus, Poseidon và Hades.

Người dân Hy Lạp cũng thờ phụng Hera để cầu cho thời tiết trong xanh và những làn gió ấm áp. Họ tin rằng nếu khiến nữ thần giận dữ, bà sẽ khiến họ phải đối mặt với những cơn bão sấm sét hoặc khí hậu khắc nghiệt. Ví dụ, Hera đã tạo ra một cơn bão sấm sét đầy chết chóc và tàn phá nhắm vào Hercules, suýt giết chết anh.

Hera có thể tạo mưa theo ý muốn, hoặc sử dụng da bò của mình để làm điều đó.

Về mặt thể chất, Hera đủ mạnh để giết chết hai Gigantes trong cuộc chiến chống lại các vị thần Gigantomachy, đó là Phoitos và Harpolykos.

Bà đã tát Artemis trong cuộc chiến thành Troy và đánh cô bầm tím ngực trong cuộc chiến Dionysiaca (cuộc viễn chinh đến Ấn Độ của Dionysus). Artemis khóc lóc bỏ chạy và Apollo chỉ có thể an ủi chị mình vì anh cũng không đủ sức mạnh để đánh lại Hera trả thù cho cô.

Nhiều tác phẩm Hy Lạp cổ mô tả quyền năng yêu thích của Hera là sự kết hợp giữa kiểm soát tâm trí, thôi miên và tạo ảo giác.

Là một vị thần Olympus, Hera sở hữu nhiều năng lực siêu nhiên đặc trưng chẳng hạn khả năng nguyền rủa và ban phước, thần giao cách cảm, giữ được tuổi trẻ vĩnh cửu, biến hình và bay.

Gia đình

Vợ/ chồng và người tình

  • Zeus (chồng)

Con cái

  • Ares
  • Hephaistos
  • Eileithyia
  • Hebe
  • Enyo
  • Angelos
  • Eris

Anh chị em

  • Zeus
  • Poseidon
  • Hades
  • Demeter
  • Hestia
  • Khiron (anh/ em cùng cha khác mẹ)

Biểu tượng và linh thú

Biểu tượng:
  • Quả lựu: tượng trưng cho sự gắn kết, sinh sôi và hôn nhân.
  • Vương miện: Hera thường được khắc họa với hình ảnh đội vương miện, biểu thị cho vị trí nữ hoàng của các vị thần.
  • Trượng hoa sen: Một biểu tượng của quyền lực tối cao, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Hera.
Linh thú:
  • Bò cái: Được xem là một trong những loài động vật có bản năng làm mẹ mạnh mẽ nhất, đại diện cho tính cách bảo trợ và nuôi dưỡng của Hera.
  • Chim công: Gắn liền với Hera bởi những “con mắt” trên đuôi chim công, được cho là tượng trưng cho con mắt Argus, người hầu trung thành của bà.

Sự thật thú vị

  • Tên Hera là một dạng tráo đổi thứ tự (anagram) từ tên mẹ cô, Rhea.
  • Hera thường có thù hằn với những người tình khác của Zeus và những đứa con mà không phải của cô. Cô thường cố gắng giết chết các con của Zeus với những người tình khác, như Hercules hoặc Dionysos.
  • Tên của Hera trong thần thoại La Mã là Juno.
  • Tháng Sáu (June) được đặt theo tên Juno của Hera trong thần thoại La Mã. Vì Hera là Nữ Thần Hôn Nhân, tháng Sáu được coi là tháng lý tưởng nhất để tổ chức đám cưới và nhận phúc lành.

Để lại một bình luận