HEPHAESTUS

Hephaestus, hay còn được biết đến với tên gọi Hephaistos (tiếng Hy Lạp cổ: Ἡφαιστος), là vị thần của thuật luyện kim, rèn, điêu khắc, xây dựng, lửa và núi lửa trong thần thoại Hy Lạp. Ông là thần bảo trợ cho tất cả thợ thủ công, thợ rèn, nghệ nhân và nhà điêu khắc. Trong văn học Homeric, Hephaestus là con trai của ZeusHera, nhưng theo một số dị bản sau này, Hephaestus không có cha. Vì Hera ghen tị việc Zeus sinh ra Athena mà không cần phụ nữ, bà đã sinh ra Hephaestus một cách độc lập. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với một truyền thuyết phổ biến khác, về việc Hephaestus đã phải chẻ đầu Zeus để thần sinh ra Athena. Chính vì thế, căn cứ theo câu chuyện này, Hephaestus lớn tuổi hơn nữ thần Athena.

Một biến thể thần thoại khác cũng xuất hiện sau này nói về việc Hephaestus ra đời từ đùi của Hera. Do bức bối vì bị giấu giếm nguồn cội của mình trong một thời gian dài, ông đã sử dụng một mưu kế để tìm ra chân tướng. Hephaestus chế tạo một chiếc ghế mà ai ngồi vào đó sẽ bị mắc kẹt, và khi nữ thần Hera bị mắc bẫy, ông từ chối giải thoát cho bà nếu bà không tiết lộ cho ông biết cách mình được sinh ra.

Là một vị thần của nghề rèn, Hephaestus đã tạo ra tất cả vũ khí của các vị thần trên đỉnh Olympus. Bảo trợ cho ngành luyện kim, ông được tôn sùng ở những trung tâm sản xuất và công nghiệp của Hy Lạp, đặc biệt là ở Athens. Nghi lễ thờ cúng Hephaestus chủ yếu diễn ra tại Lemnos. Biểu tượng của ông là búa thợ rèn, bàn đe và cặp kềm. Trong thần thoại La Mã, Hephaestus được gọi là Vulcan.


Hephaestus
Tên khác  Vulcan (thần thoại La Mã)
Bảo hộ Công nghệ, chế tác, thủ công, điêu khắc, luyện kim, kim loại, lửa và núi lửa
Linh thú Lừa
Con cái Eukleia, Eupheme, Euthenia, và Philophrosyne (đều với Aglaia); Các Kabeiroi và Kabeirides (với nữ thần Nymphe Kabeiro); Palikoi (với Aitna); cùng Thaleia (mẹ không rõ danh tính)
Vợ Aphrodite, Aglaia
Tình nhân KabeiroAitna
Biểu tượng Búa và kềm
Gia đình Cha mẹ: ZeusHera, hoặc chỉ có Hera
Anh chị em: Apollo, Ares, Dionysus, Hermes, Các Muses, Artemis, Persephone, Melinoe, Hebe, Eilithya, Athena, Ate, Ersa, Pandia, Caerus.
Nơi ở Núi Olympus

Thần thoại

Hephaestus là người tạo ra nghệ thuật điêu khắc, vũ khí, sắt, trang sức và áo giáp cho các vị thần và anh hùng, kể cả những tia sét của Zeus. Ông là con trai của Zeus và Hera, là chồng của Aglaia và Aphrodite. Lò rèn của Hephaestus được cho là nằm dưới núi Aitna ở Sicily, nơi ông sáng tạo ra những sản phẩm tinh xảo.

Hephaestus đã thiết kế chiếc mũ bảo hiểm và đôi giày có cánh của Hermes, áo giáp Aegis, chiếc thắt lưng nổi tiếng của Aphrodite, quyền trượng của Agamemnon, áo giáp của Achilles, vũ khí kìm thép của Herakles, xe ngựa của Helios, vai của Pelops và cung tên của Eros. Trong nhiều ghi chép sau này, ông đã nhận được sự trợ giúp của những Chthonic Kyklops (người khổng lồ một mắt) trong công việc, trong số đó có các trợ thủ đắc lực như Brontës, Steropès, và Argès.

Hephaestus trao khiên giáp của Achilles cho Thetis, Anthony van Dyck,1630 -1632

Bên cạnh tài năng rèn xuất sắc, Hephaestus còn phát minh ra những chiếc máy tự động bằng kim loại để phục vụ công việc. Một trong những thiết kế đáng chú ý là các kiềng ba chân biết đi lại giữa núi Olympus. Ông đã trao cho người thợ săn khổng lồ tên Orion với sự giúp sức hướng dẫn của học trò Kedalion. Là một thợ rèn tài ba, Hephaestus đã chế tác tất cả chiếc ngai vàng trong Cung điện Olympus, biểu trưng cho quyền lực của các vị thần.

Có một câu chuyện thần thoại nổi tiếng liên quan đến Hephaestus. Prometheus, một Titan, đã ăn cắp lửa từ lò rèn của Hephaestus và đem đi tặng cho loài người. Lửa tượng trưng cho tri thức, văn minh và sức mạnh cũng như sự sáng tạo để con người phát triển. Để trừng phạt con người vì dám sử dụng món quà lấy trộm của Prometheus, các vị thần đã yêu cầu Hephaestus tạo ra Pandora, người phụ nữ đầu tiên ban cho loài người, cùng với chiếc hộp Pandora (pithos). Tưởng chừng đó là đặc ân quý giá từ trên trời, thực chất hộp Pandora đã bị những vị thần thổi vào bên trong tất cả những điều bất hạnh nhất (bệnh tật, đau khổ, lòng tham,…) cho con người và chút hy vọng nhỏ nhoi nằm dưới đáy bình.

Pandora, John William Waterhouse, 1896
Sự ra đời

Là con trai của Zeus và Hera – cặp đôi quân vương cai quản các vị thần, Hephaestus đáng lẽ phải mang vẻ ngoài khôi ngô tuấn tú và vô cùng uy nghiêm. Nhưng không, khi vừa chào đời, Hephaestus chỉ là một đứa trẻ nhỏ bé, xấu xí, với gương mặt đỏ bừng và tiếng khóc thét inh ỏi. Kinh hãi trước hình hài không như kỳ vọng của con, Hera đã phẫn nộ và nhẫn tâm đến mức ném đứa nhỏ từ đỉnh núi Olympus xuống.

Hephaestus rơi suốt một ngày một đêm và cuối cùng đáp xuống biển sâu. Bất hạnh vẫn chưa buông tha cho ông, khi vừa chạm mặt nước, một trong hai chân đã bị gãy và mãi mãi không thể phát triển bình thường. Cơ thể nhỏ bé của Hephaestus dần chìm dần, như một viên sỏi rơi xuống đáy sâu lạnh lẽo và nữ thần biển Thetis tìm thấy ông. Động lòng trước số phận đáng thương của đứa trẻ, bà mang Hephaestus về hang động dưới nước của mình, chăm sóc và nuôi dưỡng như chính đứa con ruột thịt.

Zeus cùng Hera trục xuất Hephaestus, Gaetano Gandolfi, khoảng 1761 đến 1769
Thời thơ ấu

Hephaestus có một tuổi thơ thật khổ sở. Từ khi mới lọt lòng, do ngoại hình xấu xí, Hera đã ném ông xuống từ đỉnh núi cao Olympus. Trong một số dị bản khác, chính Zeus là người đã ném ông xuống Lemnos suốt một ngày đêm vì tội đã đứng về phía Hera trong một cuộc tranh cãi gay gắt. Hephaestus lớn lên và trải qua ngày tháng ấu thơ ở đảo Lemnos.

Tại đây, ông tìm thấy tàn tích của đống lửa do ngư dân để lại trên bãi biển. Hephaestus đã bị hấp dẫn bởi một cục than vẫn còn đỏ rực và phát sáng. Ông cẩn thận đặt viên than quý giá vào trong một vỏ sò, mang về hang động dưới nước và nhóm lên ngọn lửa từ viên than ấy. Ngày đầu tiên, Hephaestus ngồi nhìn ngọn lửa trong suốt nhiều giờ. Ngày thứ hai, ông phát hiện rằng khi dùng ống bể để thổi lửa mạnh hơn, một số loại đá bắt đầu “đổ mồ hôi” và tiết ra sắt, bạc hay vàng. Đến ngày thứ ba, Hephaestus bắt đầu dùng búa để rèn kim loại đã nguội thành nhiều hình dạng như vòng tay, dây chuyền, kiếm và khiên. Ông làm ra những chiếc dao, muỗng có cán ngọc trai tặng cho người mẹ nuôi, một chiếc xe ngựa bạc cho bản thân và tạo ra dây cương để ngựa biển có thể chở ông đi nhanh chóng. Hephaestus thậm chí còn tạo ra những cô hầu gái bằng vàng để phục vụ và thực hiện mọi mệnh lệnh của ông.

Bên trong lò rèn của Vulcan, Werner Schuch (1843-1918)
Giai đoạn trưởng thành

Một ngày nọ, Thetis rời khỏi hang động dưới nước để tham dự một bữa tiệc tối trên đỉnh núi Olympus. Khi đi, bà diện chiếc vòng cổ tuyệt đẹp làm từ bạc và ngọc bích mà Hephaestus thiết kế riêng cho bà. Hera thấy sợi dây chuyền và tò mò hỏi Thetis đã mua nó ở đâu. Bà trở nên lúng túng khiến Hera bắt đầu nghi ngờ. Cuối cùng, nữ thần phát hiện ra sự thật về đứa trẻ mà bà từng chối bỏ nay đã trở thành một thợ rèn tài ba.

Hera vô cùng tức giận và yêu cầu Hephaestus quay trở về Olympus nhưng ông kiên quyết từ chối. Tuy nhiên, để đáp lại, ông gửi cho Hera một chiếc ghế được chế tác tinh xảo bằng bạc và vàng và khảm vỏ ngọc trai mẹ. Hera rất thích chiếc ghế này và ngay lập tức ngồi lên. Tuy nhiên, trọng lượng của bà đã kích hoạt những chiếc lò xo và dây kim loại ẩn bên trong, trói chặt lấy cơ thể. Càng vùng vẫy, các loại dây càng siết chặt bà hơn. Một chiếc bẫy được thiết kế vô cùng tinh vi.

Ba ngày liền bị trói chặt trên ghế, Hera không thể ngủ, không thể duỗi người cũng như không thể ăn. Zeus cầu xin Hephaestus quay trở về cung điện và thả nữ thần ra, nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối. Cuối cùng, Dionysus đành phải chuốc say Hephaestus và cõng ông trên một con lừa đem về đỉnh Olympus. Sau đó, với điều kiện Aphrodite sẽ trở thành vợ của Hephaestus, Hera mới được giải thoát.

Hephaestus và Aphrodite

Hephaestus, với tính cách kiên định và vững vàng, đã được Zeus trao tay Aphrodite làm vợ để ngăn chặn sự tranh giành cô giữa những vị nam thần.

Hôn nhân giữa Hephaestus và Aphrodite là một cuộc hôn nhân sắp đặt, và lẽ đương nhiên, Aphrodite không hề thích ý tưởng này. Aphrodite đã qua lại với Ares và bị Hephaestus phát hiện ra nhờ Helios, thần Mặt trời toàn năng. Sau đó, ông lên kế hoạch trả thù trong một lần nữ thần và Ares đi hẹn hò. Khi cả hai đang hú hí trên giường, Hephaestus tóm gọn họ trong một chiếc lưới dây xích không thể phá vỡ, nhỏ đến mức gần như vô hình, rồi kéo cả hai lên đỉnh núi Olympus để làm nhục trước mặt nhiều vị thần khác.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy cảnh tượng hai vị thần khỏa thân, họ chỉ cười phá lên và Poseidon đã thuyết phục Hephaestus thả đôi tình nhân ra với điều kiện Ares sẽ phải đóng tiền phạt cho hành vi ngoại tình. Trong tác phẩm sử thi Odyssey, Hephaestus nói rằng ông sẽ trả Aphrodite về cho cha cô và đòi lại sính lễ mà ông đã phải trả.

MarsVenus bị Vulcan bắt tại trận, Alexandre Charles Guillemot (1786-1831)

Người Thebes kể lại rằng cuộc tình của Ares và Aphrodite đã sinh ra Harmonia. Còn cuộc hôn nhân giữa Hephaestus và Aphrodite không có con cái nào cả, cho đến khi Virgil, nhà thơ vĩ đại người La Mã, nghiêm túc khi chỉ ra Eros là con của họ. Các tác giả sau này giải thích rằng thần tình yêu Eros thực ra là con của Ares nhưng sau đó được nhận làm con của Hephaestus.

Hephaestus cũng có một mối liên hệ nhất định với các giáo phái bí ẩn cổ đại của người Phrygia và Thracia, được gọi là Kabeiroi, hay còn gọi là Hephaistoi (những người của Hephaestus), ở Lemnos. Một trong ba bộ lạc Lemnian cũng gọi mình là Hephaestion và tuyên bố là hậu duệ trực tiếp của thần.

Hephaestus và Athena

Hephaestus và Athena là hai vị thần có vai trò giống nhau trong nhóm các vị thần của mình. Hephaestus là vị thần của nghệ thuật và nghề thủ công trong mắt nam thần, và Athena cũng tương tự vậy đối với nhóm nữ, tức cả hai đều ban cho tài năng và sự khéo léo, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo và nghệ thuật. Tuy nhiên, Hephaestus vẫn luôn bị coi là kém xa sự uyên bác và vĩ đại của Athena. Tại Athens, cả hai đều có đền thờ và lễ hội chung. Cả Hephaestus và Athena đều được tin là sở hữu sức mạnh chữa lành phi thường, và đất Lemnian (nơi Hephaestus ngã xuống) được cho là có thể chữa khỏi bệnh điên, vết rắn cắn và chảy máu. Các linh mục của Hephaestus cũng là những người duy nhất biết cách chữa trị vết thương do rắn.

Hephaestus được khắc họa trong nhiều tác phẩm nghệ thuật ở những vị trí quan trọng. Điển hình là trong đền thờ Athena Chalcioecus (Athena của Nhà Đồng) tại Sparta, ông được mô tả trong cảnh giúp mẹ mình sinh con. Ngoài ra, ngực áo của Kypselos cũng có hình ảnh Hephaestus đang trao bộ giáp của Achilles cho Thetis, là một chi tiết được nhiều người biết đến trong thần thoại.

Hephaestus, Thetis và áo giáp Achilles điêu khắc trên bình lekythos, khoảng thế kỷ 5 TCN

Tại Athens, một bức tượng Hephaestus nổi tiếng được điêu khắc bởi Alcamenes, đã thể hiện một cách tinh tế, nhẹ nhàng về khuyết tật của ông, thay vì làm nổi bật. Người Hy Lạp cổ đại thường đặt những bức tượng nhỏ hình người lùn tượng trưng Hephaestus gần lò sưởi trong nhà. Đây được xem là những hình ảnh lâu đời nhất về vị thần.

Trong thời kỳ vàng son của nghệ thuật Hy Lạp, Hephaestus được khắc họa là một người đàn ông mạnh mẽ, có râu, thường cầm theo búa hoặc công cụ chế tác khác, đội chiếc mũ tròn và mặc chiton (áo choàng ngắn), mô phỏng hình ảnh một người nghệ nhân tài ba và mạnh mẽ.

Vợ và con cái

Trong hầu hết các câu chuyện, Hephaestus có vợ là Aphrodite, người ngoại tình với nhiều vị thần và cả người thường, trong đó được đến nhiều là Ares. Tuy nhiên, trong Iliad của Homer, vợ của Hephaestus là một phiên bản ít nổi tiếng hơn của Aphrodite, tên Charis (Vẻ đẹp) hoặc Aglaia (Vẻ huy hoàng) — người con gái trẻ nhất trong ba vị thần Graces mà Hesiod nhắc đến.

Athena khinh miệt những bước tiến của Hephaestus, Paris Bordone (1500-1571)

Tại Athens, có một ngôi đền dành riêng cho Hephaestus, gọi là Hephaesteum (thường bị nhầm lẫn là Theseum), nằm gần Agora. Từ giai đoạn thành lập nên thành phố Athen, có một truyền thuyết được truyền miệng rộng rãi kể rằng nữ thần bảo hộ thành phố Athena đã từ chối kết hôn với Hephaestus vì ngoại hình xấu xí và tật nguyền của ông. Khi Hephaestus tức giận và cố gắng cưỡng ép, Athena ngay lập tức biến mất khỏi giường. Tinh dịch của ông rơi xuống đất, làm Gaia mang thai và sinh ra Erichthonius — người sau này trở thành vị vua của Athens. Gaia không trực tiếp nuôi dạy đứa trẻ này mà giao cho một người mẹ nuôi. Sau đó, Athena nhận Erichthonius làm con, chăm sóc cậu bé và giao cho một con rắn thần bảo vệ.

Trên đảo Lemnos, bạn đời của Hephaestus là nữ thần biển Kabeiro, và cả hai có với nhau cặp vị thần kim hoàn nổi tiếng gọi là Kabeiri. Tại Sicilia, vợ ông là nữ thần Aitna, và con trai của họ là những vị thần của các suối nước nóng Sicilia, tên Palici. Trong một số biến thể câu chuyện, cha mẹ của Palici là Hephaestus và nữ thần Thalia.

Hephaestus có rất nhiều con, có người là thần có người phàm trần. Một trong những đứa con gây nhiều chú ý của ông là Periphetes, một tên cướp nổi tiếng.

Đây là danh sách đầy đủ gồm bạn đời và con cái của ông theo nhiều nguồn khác nhau:

  1. Aphrodite
  2. Aglaia
    • Eukleia
    • Euthenia
    • Eupheme
    • Philophrosyne
  3. Etna
  4. Gaia
    • Erikthonius
  5. Kabeiro
    • Kabeiri
  6. Antkleia
    • Periphetes
  7. Chưa rõ mẹ là ai
    • Ardalus
    • Kerkyon (chưa chắc chắn)
    • Palaimonius (trong nhóm anh hùng Argonaut)

Biển tượng

Bàn đe
Búa
Lửa lò rèn

Để lại một bình luận