HADES

Hades là chúa tể cai trị thế giới dưới lòng đất, vua của những linh hồn đã khuất và thần của sự giàu có thịnh vượng trong thần thoại Hy Lạp. Ông là con trai cả của Cronus và Rhea, đồng thời là anh trai của PoseidonZeus.


Hades

Tên khác Pluto (trong thần thoại La Mã)
Bảo hộ Thế giới ngầm, sự giàu có, bóng tối và kim loại. Là vị vua của cõi chế và vùng đất sâu thẳm.
Linh thú Cú mèo nhỏ, rắn và cừu đen
Con cái Zagreus, Melinoe, Ploutos, Makaria, Albion, Tilphousia và Erinyes
Vợ Persephone 
Người tình cũ Minthe và Leuke
Biểu tượng Mũ Trụ Tàng Hình
Gia đình Cronus và Rhea (cha mẹ)
Hestia, Demeter, Hera, PoseidonZeus (anh chị em)
Cây thiêng Cây bách, cây asphodel, bạc hà, cây dương trắng, hoa thủy tiên

Thần thoại

Sự ra đời

Hades là một trong những người con của các Titan, Cronus và Rhea. Ông là con trai trưởng và có các anh em là Poseidon và Zeus. Giống như các anh chị em của mình, Hades đã bị Cronus nuốt chửng ngay khi vừa sinh ra vì ông ta lo sợ một ngày nào đó các con sẽ lật đổ ách thống trị của mình. Cuối cùng, Hades và những người khác được người em trai út Zeus giải cứu.

Trận chiến Titanomachy

Trong cuộc đối đầu Titan kéo dài mười năm, Hades đã kề vai sát cánh cùng các anh chị em như Poseidon, Hestia, Demeter, Hera và Zeus chống lại Cronus và đồng minh. Sau khi giành được thắng lợi và kết thúc cuộc chiến vĩ đại ấy, ba anh em gồm Zeus, Poseidon và Hades đã chia chát thế giới bằng cách rút thăm. Thần Zeus nhận lấy quyền cai quản bầu trời và được xem như là Đấng Tối Cao. Poseidon cai trị đại dương cùng tất cả các nguồn nước, và phần thế giới ngầm, vương quốc của những vong linh thuộc quyền sở hữu của Hades. Trái đất sẽ được thống trị bởi cả ba người.

Hades và Hestia là hai vị thần duy nhất trong số các anh chị em không có ngai vàng trên cung điện Olympus.

Aeneas và Sibyl ở Cõi Âm, Jan Brueghel the Elder (1568–1625)
Vợ

Vợ của Hades, Persephone, là nữ thần của cây cối, mùa xuân và sự sinh sôi nảy nở. Cô là con gái của nữ thần Demeter, em gái Hades, nên xét theo gia phả, Persephone cũng chính là cháu gái của ông.

Theo truyền thuyết, Hades phải lòng Persephone sau khi nhìn thấy cô vui đùa trong một cánh đồng hoa rộng lớn cùng với những người bạn. Theo tục lệ, ông đến xin Zeus, cha của Persephone, được kết hôn với cô. Zeus đã đồng ý và ban phúc cho ông, nhưng lại ngấm ngầm khuyên Hades nên… bắt cóc Persephone khi Demeter vắng mặt vì thần biết rằng bà vô cùng yêu con gái và sẽ không cho phép con kết hôn với bất kỳ ai, huống hồ chi là Hades.

Được Zeus gợi ý, nhân lúc Persephone đang hái hoa thủy tiên, Hades cưỡi chiếc xe ngực uy nghi, dẫn dầu bởi những chú ngựa đen tuyền trồi lên từ lòng đất, bắt lấy cô và đưa về thế giới ngầm. Demeter nghe tin báo, vô cùng lo lắng và tìm kiếm cô khắp nơi. Nữ thần không còn chú tâm đến sứ mệnh chăm nom mùa màng khiến cây cối dần héo úa, không còn sinh trưởng, Trái đất lâm vào cảnh trên bờ tuyệt diệt. Đó được gọi là mùa đông, thời điểm Demeter đau khổ vì nỗi nhớ con. Đến cầu cứu Zeus, bà phát hiện chính người anh trai Hades đã bắt cóc Persephone xuống dưới âm ti. Nhận ra hậu quả nghiêm trọng từ quyết định của mình, thần Zeus đã cử Hermes xuống thế giới ngầm yêu cầu Hades trả lại Persephone.

Vụ bắt cóc Persephone, Heintz Joseph the Elder, khoảng năm 1595

Tại đây, sau khi bắt cóc cô, Hades đã tặng rất nhiều vàng, của cải và xây dựng cả một khu vườn rộng lớn đẹp tuyệt vời để cô có thể nguôi nỗi nhớ nhà, vui vẻ trở lại. Tuy nhiên, Persephone vẫn ngày đêm than khóc và cự tuyệt không ăn uống bất cứ thứ gì tại đây. Vừa hay tin từ Hermes, cô đã không kìm nén được niềm hân hoan và vô tình đồng ý ăn sáu hạt lựu mà không biết rằng theo luật, nếu ăn thức ăn từ thế giới ngầm thì sẽ bị ràng buộc với nơi này mãi mãi.

Chính vì thế, Persephone buộc phải dành ra sáu tháng trong năm để ở lại địa phủ với Hades và sáu tháng còn lại trở về dương gian sống cùng với mẹ. Mỗi lần cô rời đi, Demeter lại buồn đau khiến tuyết rơi dày đặc, cây cỏ rụng lá, vạn vật không thể sinh trưởng tạo ra mùa Thu và Đông. Khi Persephone quay về, nữ thần vui vẻ giúp cây cối đâm chồi nảy lộc, thời tiết ấm áp cho muôn loài phát triển, đó là mùa Xuân và Hè.

Sự trở lại của Persephone, Frederic Leighton, 1891

Truyền thuyết này đã giải thích cho sự liên kết chặt chẽ giữa các mùa trong năm và giữa đời sống, cái chết, sự tái sinh trong thần thoại Hy Lạp.

Trong một thần thoại khác, một linh hồn của một cậu bé đã chết (mà Demeter đã biến thành một con thằn lằn và bị một con diều hâu ăn thịt) đến gặp Persephone và thuyết phục cô ăn sáu hạt lựu. Khi Zeus biết chuyện, thần tuyên bố Persephone phải quay lại thế giới ngầm sáu tháng, mỗi tháng ứng với một hạt lựu.

Trong một số câu chuyện khác, khi Persephone bị bắt cóc, Demeter đã quá đau khổ và giận dữ đến mức khiến mọi thứ trên Trái Đất không thể nảy mầm, ngoại trừ ở làng Eluesis, vì người dân ở đó đã cung cấp cho nữ thần nơi trú ẩn và thức ăn trong lúc bà lục tung cả thể giới để tìm con gái.

Zeus Meilichios

Người Athens và người Sicilia tôn thờ Zeus Meilichios (mang nghĩa thân thiện, ngọt ngào), trong khi những thành phố khác sùng bái các vị thần Zeus Chthonios (nghĩa là của đất), Zeus Katachthonios (dưới lòng đất) và Zeus Plousios (mang lại sự giàu có). Những vị thần này có thể được miêu tả dưới hình dạng rắn hoặc con người, đôi khi là cả hai hình ảnh này kết hợp lại. Họ nhận lễ vật là những con vật màu đen, bị đem đi ném vào những hố sâu, tương tự cách các vị thần dưới lòng đất như Persephone và Demeter được dâng lễ, hay các anh hùng tại mộ phần của họ. Trong khi đó, các vị thần trên đỉnh Olympus thường nhận lễ vật màu trắng được dâng trên bàn thờ cao. Chính vì thế, Zeus Chthonios, Zeus Katachthonios và Zeus Plousios đều là các danh hiệu liên quan đến Hades, chứ không phải của Zeus.1

Zeus Meilichios cũng được nhắc đến như một danh hiệu dành cho Hades, không dành cho Zeus.2 Bản chất kép của Hades và Zeus cũng được thể hiện qua sự tồn tại của Zeus Meilichios.3 Trong các truyền thuyết của Orphics, mỗi vị thần đều được gắn với một loài động vật nhất định và loài vật biểu tượng của Hades chính là rắn.4 Zeus chưa bao giờ được gắn với hình ảnh loài rắn hay có hình ảnh rắn đi cùng. Nhiều vị thần như Hades, Asklepios, Hermes, Apollo, thậm chí cả Demeter và Athena đều có hình tượng rắn đi kèm; riêng Zeus thì không bao giờ.5

Hades thường được miêu tả là một thanh niên trẻ tuổi, cầm hoặc xuất hiện cùng rắn, vì thế rắn trở thành biểu tượng gắn liền với ông. Hình ảnh Hades dưới dạng một con rắn còn được nhắc đến trong câu chuyện khi Hades quyến rũ Persephone trong lốt rắn, từ đó sinh ra Zagreus.6 Vì vậy, có thể thấy rằng Zeus Meilichios là một vai trò khác hẳn với Zeus Olympios,7 nghĩa là Zeus Meilichios thực chất không phải là Zeus, mà chính là Hades.

Bức phù điêu La Mã về những con rắn khổng lồ của Hades, thế kỷ 2 SCN, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Uffizi ở Florence

Trong các phiên bản truyền miệng của câu chuyện, không chỉ trong văn bản viết, nữ thần bóng đêm Melinoe cũng được cho là con của Hades khi ông ở dạng rắn. Có một câu chuyện kể rằng Persephone khi đó sinh ra cặp song sinh là hai vị thần Zagreus và Melinoe.

Mối liên hệ tới Dionysus

Có một mối liên kết thú vị giữa Dionysus và Hades, điều này đã được gợi ý trong bài Homeric Hymn to Demeter – một bài thơ kể về huyền thoại Eleusinian. Bài thơ này nói rằng Persephone bị bắt cóc từ “cánh đồng Nysus,” và có thể chính từ đây mà Dionysus có tên gọi “Thần của Nysus.”

Một số bức tượng được phát hiện tại Ploutonian, đền thờ Hades trong khu Thánh địa Demeter và Persephone ở Eleusis, miêu tả Eubouleus – còn được biết đến với tên gọi “Aides Kyanochaites”, hình ảnh của Hades lúc trẻ – và Dionysus có những đặc điểm khuôn mặt gần như giống nhau.

Tượng bán thân Eubouleus (thế kỷ 4 TCN) ở Eleusis, Athens, Hy Lạp
Đầu tượng đá cẩm thạch Dionysus lúc trẻ, đền thờ Dionysus, ở Thasos, Hy Lạp (cuối thế kỷ 4 – đầu thế kỷ 3 TCN)

“… Vì nếu không phải là Dionysus, người mà họ tổ chức rước lễ và hát những bài ca tôn vinh bộ phận sinh dục, thì đây sẽ là hành động đáng xấu hổ nhất. Nhưng Dionysus, người mà họ tôn kính đến mức cuồng loạn trong lễ hội Bacchic, và Hades thực chất là một…” (Trích từ Heraclitus (thế kỷ 5 TCN), được dẫn lại bởi Clement thành Alexandria, thế kỷ 2 SCN)

Heraclitus cũng khẳng định rằng Hades và Dionysus là một – sự kết hợp hoàn hảo giữa hai thái cực đối lập: một bên là vị thần mang bản chất bất diệt của sự sống, còn bên kia là chúa tể của cái chết không thể cưỡng lại, từ đó, qua quá trình phân hủy đầy màu mỡ, sự sống mới kỳ diệu lại được sinh ra.

Ngoài ra, một số danh hiệu của Dionysus cũng được dùng để chỉ Hades, như “Zagreus, Meilichios, Eubuleus, Chthonios, Efklæís” và nhiều tên gọi khác. Trong các lễ hội lớn của Dionysus, như Anthesteria, người chết cũng được tôn vinh.

Karl Kerényi cho rằng nữ thần Demeter đã từ chối uống rượu, vốn là món quà của Dionysus, sau khi Persephone bị bắt cóc, vì mối liên hệ giữa thần và cõi âm. Ông cũng gợi ý rằng Hades có thể chỉ là một “bí danh” của Dionysus vai trò thần cai quản cõi âm. Tên Hades (phiên bản đầy đủ là Aidoneus) có nghĩa là “Kẻ vô hình”.

Cuốn The God who Comes: Dionysian Mysteries Revisited của Rosemarie Taylor-Perry (2003) có đề cập một chi tiết thú vị: Zeus, Hades và Dionysus đều đến từ cùng một vị thần. Tên đầy đủ của Hades là Aidoneus, được cho là bắt nguồn từ một từ cổ có nghĩa là “cha”, vì chính Hades đã bắt cóc nữ thần Kore (hay Persephone). Bài Homeric Hymn to Demeter có đoạn:

“The earth gaped open and Lord Hades, whom we will all meet, burst forth

with his immortal horses onto the Nysian plain. Lord Hades, son of Cronus

who is called by many. Begging for pity and fighting him off, she was

dragged into his golden chariot. She screamed the shrill cry of a maenad, calling father Zeus, Zeus the

highest and the best…”

Dịch:

“Đất mở ra, và Chúa tể Hades, người mà tất cả chúng ta sẽ gặp, lao ra
với những con ngựa bất tử của mình trên đồng Nysian. Chúa tể Hades, con trai của Cronus,
cái tên mà nhiều người biết đến. Cầu xin sự thương xót và cố gắng chống cự,
nàng bị kéo lên chiếc xe vàng của ông. Nàng hét lên tiếng kêu thảm thiết của một maenad,
gọi cha Zeus, Zeus cao nhất và vĩ đại nhất…”

Là một vị thần có ba ngôi (tức có ba khía cạnh riêng biệt), Hades cũng được xem là Zeus, đồng thời đóng vai trò Thần Bầu trời. Hành động Hades bắt cóc “con gái” và cũng là người tình của mình, Persephone đã mở ra sự ra đời của một thực thể mới: Iacchos (còn gọi là Zagreus-Dionysus), hay Liknites, là hình thái ấu thơ non nớt của vị thần này. Iacchos chính là biểu tượng hợp nhất giữa hai thế giới: cõi âm tăm tối của Hades và cõi trời sáng chói trên đỉnh Olympus của Zeus.

Một lí do khiến Zeus được cho là cha của Zagreus xuất hiện trong cuốn sách của Rosemarie Taylor-Perry, “The God who Comes: Dionysian Mysteries Revisited” . Cuốn sách cho biết trong thần thoại trước Orphic, Zeus đã cho Persephone một loại thuốc hoặc kykeon, được chế từ trái tim của Dionysus, để vị thần này có thể tái sinh qua cô. Dionysus ở Hy Lạp cổ đại được gọi là “con rắn nghìn đầu” hoặc “người có nghìn tên”. Cuốn sách tiếp tục đề cập đến việc cái chết hoặc vụ bắt cóc Persephone bởi Dionysus (đồng thời là Hades, Sabazios và Zagreus) là lý do tại sao các hạt cây anh túc (có hình dạng giống hạt lựu) được sử dụng trong các nghi lễ nhập môn chính trong tín ngưỡng Orphic.

Dionysus là một vị thần bảo hộ thực vật vô cùng bí ẩn. Ông còn tham gia trong các nghi lễ Eleusinian liên quan đến cái chết và thế giới bên kia của nữ thần mùa màng Demeter. Mặc dù có nét dịu dàng nữ tính, Dionysus thực chất là hình mẫu nam tính đối lập với Persephone. Những nghi lễ này cũng liên quan đến “bí mật về chiếc giường”, một biểu tượng thể hiện mối liên kết giữa sự sống, cái chết và sự tái sinh. Theo Karl Kerenyi, từ thời đại của nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại Euripides (khoảng 480 – 406 TCN), bí mật Dionysus và Hades thực chất là một thần đã được tiết lộ và truyền tai nhau.

Bình gốm Dionysus, Berlin Painter (490s – 460s TCN), hiện được trưng bày ở bảo tàng Louvre, Pháp

Các hình ảnh thời xa xưa cho thấy Dionysus cầm trong tay chiếc kantharos (chén rượu lớn có quai) và đứng ở vị trí của Hades. Trên một chiếc bình của nghệ nhân gốm Hy Lạp nổi tiếng Xenokles (khoảng thế kỷ thứ 5 TCN), một mặt là hình ảnh của Zeus, Poseidon và Hades đầu quay ngược lại, mỗi người đều cầm biểu tượng quyền lực của mình. Mặt còn lại miêu tả Dionysus dưới lòng đất đang đón tiếp Persephone, người được Hermes và mẹ cô ấy gửi tới. Dionysus hiện thân là một chú rể có râu, gương mặt u tối, cầm chiếc kantharos trong tay, nền là những chùm nho đang tiến về phía cô dâu.

Những đứa con của Hades

Với các nguồn tài liệu văn học, khảo cổ học còn lại và một số truyền thống dần bị lãng quên, Persephone được cho là đã sinh con cho chồng mình, ít nhất một trai một gái và tên của các con thay đổi tùy theo nguồn tài liệu.

Theo nhiều học giả, có một câu chuyện được truyền lại từ nền văn hóa Eleusinian nói rằng Persephone đã sinh một đứa con trai cho Plouton (Hades). Tên đứa trẻ thay đổi giữa các cái tên như Ploutos, Zagreus, Brimios hoặc Iackos, cùng một số tên khác.

Bức khảm Dionysus (Zagreus) và báo đen (thế kỷ thứ 4 SCN), hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Anh, London

Vào cuối thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên, trong sử thi của Claudian về vụ bắt cóc Persephone, Pluto (Hades) được khắc họa mong muốn có con. Tuy nhiên, bài thơ này chưa được hoàn thành và những gì Claudian có thể biết đã bị lưu lạc.

Trong tác phẩm của Plutarch về Theseus, Hades (ở đây gọi là Aidoneus) là một vị vua Molossian huyền thoại cai trị vùng Epirus. Trong câu chuyện này, ông được cho là đã lén lút cưới Persephone, con gái của nữ hoàng Demeter và sinh ra một con gái (tên là Kore). Aidoneus đã hứa sẽ gả con gái của mình cho người anh hùng nào có thể chế ngự con chó Cerberus mà không làm hại nó. Peirithous, bạn thân của Theseus, lại muốn bắt cóc cô thay vì thực hiện đúng yêu cầu. Khi Aidoneus biết được kế hoạch của Peirithous, ông đã giết Peirithous và giam giữ Theseus. Plutarch thực chất đã sử dụng nhiều yếu tố trong thần thoại Hades để biến chúng thành câu chuyện lịch sử này.

Trong Orphic Hymn 70, Erinyes được cho là con cái của Zeus Khthonios (Hades) và Persephone. Điều này sau đó đã được Statius (tác giả sử thi La Mã vào thế kỷ 1 SCN) nhắc lại: “[Hades] là cha của Eumenides (Erinyes).”

Justin Martyr (thế kỷ 2 SCN) ám chỉ về con cái của Pluto, nhưng không nêu tên hay liệt kê chúng.

Hesychius (thế kỷ 5 SCN) đề cập đến một “người con trai của Pluto.”

Trong một trích đoạn từ một trong những vở kịch bị mất của Aeschylus về Sysiphus (khoảng thế kỷ 5 TCN), Zagreus dường như là con trai của Hades, trong khi trong tác phẩm Aigyptioi của Aeschylus, Zagreus được nhận diện là bản thân Hades.

Từ điển cổ Hy Lạp Suida đề cập: “Makaria (Macaria, Phúc Lành). Cái chết. Con gái của Hades.”

Có một nhân vật trong tác phẩm The Faerie Queen của Edmund Spencer tên là Lucifera (có nghĩa là “Người mang ánh sáng”, có thể đang ám chỉ Melinoë). “Là con gái của Pluto ghê rợn.” Cuốn sách này được xuất bản vào năm 1590.

Tác phẩm thần thoại của Boccaccio vào thế kỷ 14 có ghi chép một truyền thống trong đó Pluto là cha của nhân cách hóa thần thánh mang tên Veneratio (hay “Sự tôn trọng/ Cái chết tôn nghiêm”). Ông cho rằng cô không có mẹ vì Proserpina (Persephone) không thể sinh con. Boccaccio trích dẫn Servius làm nguồn tham khảo, đồng thời bổ sung thêm việc Theodontius gọi con gái của Pluto là Reverentia và nói cô đã kết hôn với Honos (hay “Danh dự/ Cái chết vinh quang”). Rõ ràng, Vereratio là một cách ám chỉ đến Makaria, “Phúc Lành”, người là con gái của Hades theo Suida. Xét theo các tín ngưỡng cổ đại, có thể thấy Persephone thực sự không vô sinh và khả năng cao là bà mới là mẹ của Macaria.

Nhiều học giả tin rằng Hades và Persephone còn nhiều đứa con khác mà sau này được đồng nhất trở thành con của Zeus. Trong câu chuyện về Zagreus, cha của cậu được miêu tả xuất hiện dưới hình dạng con rắn (một sinh vật gắn liền với Hades và thế giới ngầm) nhưng viết dưới dạng ẩn dụ chứ không nêu bật. Một số dòng thơ sau đó có thêm chi tiết về Zeus, nhưng ý nghĩa sâu xa lại chỉ rõ Hades.

Trong câu chuyện về Melinoë, Persephone sinh ra cô tại bờ sông Cocytus, nhưng kỳ lạ thay việc này cũng xảy ra lúc nữ thần đang nằm trên giường của Zeus Kronion, được cắt nghĩa là con trai trưởng của Cronus, một chi tiết có thể ám chỉ Hades.8 Câu chuyện còn miêu tả Zeus đã hóa thân thành Hades để thụ thai Melinoë với Persephone cho ta thấy cách truyền thuyết gốc đã được viết lại một cách cẩn thận để Melinoë sẽ được coi là con của thần Zeus. Điều này đã tạo ra một sự linh hoạt, cho phép những người thờ phụng Melinoë như con của Hades giữ vững niềm tin của mình, trong khi những ai tin rằng cô là con của Zeus cũng có thể giải thích theo cách của riêng họ.9

Asclepius

Có một câu chuyện thần thoại kể về mối liên hệ giữa Hades và Asclepius – con trai của Apollo, là một thầy thuốc tài ba và được xem là bác sĩ đầu tiên của thế giới. Biệt tài chữa bệnh của Asclepius tuyệt vời đến mức có thể chữa trị nhiều bệnh dịch hiếm, kéo dài tuổi thọ và cứu sống được rất nhiều người thoát khỏi bờ vực cái chết. Tuy nhiên, Asclepius sau đó bắt đầu hồi sinh người chết với một mức giá cao. Chính vì thế, Hades vô cùng tức giận và lên đỉnh Olympus, yêu cầu Zeus phải bắt Asclepius trả giá vì dám chế giễu cái chết công khai. Để xoa dịu Hades, thần trực tiếp đánh chết Asclepius bằng một tia sét. Qúa phẫn nộ vì cái chết của con trai, Apollo đã giết hại thế hệ Cyclopes trẻ tuổi, những người đã tạo ra tia sét cho Zeus. Để trừng phạt Apollo vì tội dám nổi loạn, thần Zeus buộc ông phải phục vụ một vị vua trần gian trong vòng một năm. Riêng phần Asclepius, sau cái chết của chính mình, ông được phong thần và trở thành thần Y học.

Chuyến thăm Aesculapius, Edward Poynter, 1880
Sisyphus

Một trong những thần thoại hiếm hoi mà Hades đóng vai trò quan trọng là câu chuyện về Sisyphus. Sisyphus là một vị vua khôn ngoan và cuốn hút nhưng ông lại rất sợ cái chết và quyết tâm tìm cách né tránh Hades. Khi Thanatos, hiện thân cho cái chết tự nhiên, đến để lấy đi linh hồn của Sisyphus, ông ta đã giam cầm vị thần. Thanatos sau đó trốn thoát và Sisyphus vẫn bị Hades kéo xuống Thế giới ngầm. Tuy nhiên, trước khi mất, Sisyphus đã dặn vợ mình không được chôn cất ông với lễ vật cho người chết để linh hồn ông được quyền quay lại dương thế, yêu cầu thực hiện lễ tang cuối cùng. Sau đó, thay vì trở về Âm phủ theo luật, Sisyphus lại chọn ở lại trần thế dưới dạng một xác sống, hài lòng với cuộc sống bất tử. Tuy nhiên, việc đó chẳng kéo dài lâu. Hades đã phát hiện ra mưu kế của Sisyphus và quay lại bắt ông ta.

Quá tức giận trước việc Sisyphus dám làm rối loạn trật tự tự nhiên, Hades đã sắp đặt một hình phạt vô cùng đặc biệt. Hades đưa ông vua đến bờ vực của Tartarus, vùng sâu nhất ở Thế giới ngầm, và hứa rằng ông sẽ được ân xá cũng như có cơ hội đi đến vùng thiên đàng Elysium chỉ khi lăn được một tảng đá lớn lên đỉnh đồi. Lo sợ hình phạt khắc nghiệt đang chầu chực ở Tartarus, Sisyphus vội vàng đồng ý và bắt đầu đẩy tảng đá. Tuy nhiên, mỗi khi tảng đá gần lên đến đỉnh, nó lại lăn xuống. Sisyphus tuyệt vọng thử lại nhiều lần nhưng luôn thất bại. Ông không biết rằng Hades đã sai khiến tảng đá luôn tuân theo ý muốn của thần, nên nó sẽ luôn luôn lăn xuống.

Và đó chính là hình phạt dành cho Sisyphus — mãi mãi cố gắng thoát khỏi Tartarus nhưng vĩnh viễn bị cầm tù bởi tham vọng của chính mình.

Sisyphus, Titian, 1548
Heracles

Hades cũng xuất hiện trong thần thoại về Heracles. Khi Heracles tấn công Pylos, Hades có mặt tại đó và chiến đấu cùng với người dân Pylos. Heracles đã bắn vào gót chân Hades bằng một mũi tên tẩm máu cực độc của con quái vật nhiều đầu Hydra. Điều này khiến cho Hades phải lên đỉnh Olympus để được chữa trị bởi Paean, vị bác sĩ bất tử.

Minthe

Theo Ovid, Minthe (hoặc Menthe) là một nữ thần suối (nymph) sống gần sông Cocytus, một nhánh sông của Địa ngục, đã đem lòng yêu mến và tìm cách quyến rũ Hades. Khi Persephone phát hiện Minthe theo đuổi Hades, bà đã nổi cơn thịnh nộ và giẫm nát cô xuống đất thành cây bạc hà.

Từ đó, cây bạc hà mang một ý nghĩa về tình yêu không trọn vẹn, chứa đầy đau khổ. Đồng thời, hương thơm của cây bạc hà cũng được coi là dấu vết còn sót lại của Minthe – một lời nhắc nhở về số phận của cô khi dám yêu một vị thần đã có vợ.

Biểu tượng

  • Cú mèo nhỏ (Screech Owl) là linh thú của Hades.Tuy nhiên, loài chim này thực ra không phải là cú kêu (Screech Owl) thật sự vì chúng chỉ có ở châu Mỹ. Thay vào đó, linh thú này ám chỉ đến loài cú nâu (Tawny Owl) có tên khoa học bắt nguồn từ “strix” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “cú” và từ allocco trong tiếng Ý, nghĩa là “cú nâu” (từ “ulucus” trong tiếng Latin, nghĩa là “cú kêu”).
  • Cây bách (Cypress Tree) là cây thiêng của Hades, AphroditeArtemis. Một loài cây linh thiêng khác của Hades là cây bạch dương trắng.
  • Cerberus, con chó cưng ba đầu của Hades, cũng là một biểu tượng của ông.
  • Rắn được cho là linh thú của Hades do vai trò trước đây của ông là một vị thần rắn mang tên Zeus Meilichios. Theo Nonnos, trong vai trò thần linh ba ngôi dưới tên Zeus (gồm Zeus, Hades và Dionysus, là những hiện thân khác nhau của cùng một vị thần với các vai trò khác nhau), Hades đã quyến rũ Persephone dưới hình dạng rắn và cô sinh ra con trai là Zagreus hoặc con gái là Melinoe (trong những câu chuyện truyền miệng). Hades sau đó đã xin phép Dios (Zeus Olympius) để cưới cô. Rắn cũng được coi là sứ giả của Thế giới ngầm. Nhiều người tin rằng chúng có khả năng tự tái sinh từ cái chết thông qua hành động lột da.10 11
Cú Nâu, loài chim mà người Hy Lạp cổ đại gọi là “Screech Owl”, là linh thú của Hades. Trong quan niệm người xưa, loài chim này được xem như một điềm xui xẻo và có liên kết với cái chết.
Bản vẽ Thời Kỳ Cổ Điển về Mũ Tàng Hình

  • Bident (cây đinh ba hai chĩa) là vũ khí, biểu tượng đặc trưng và thường bị nhầm lẫn là quyền trượng của Hades.
  • Mũ của Hades cho phép ông trở nên vô hình. Nó được gọi là Mũ Trụ Tàng Hình.
  • Quyền trượng của Hades có thể xé toạc mặt đất và dẫn dắt quân đoàn người chết.

Sự thật thú vị

  • Có nhiều câu chuyện nói rằng Hades, Zeus và Dionysus thực chất là cùng một vị thần. Điều này càng được củng cố qua chi tiết Demeter từ chối uống rượu, món quà từ Dionysus.12 13 14 15 16 17
  • Tên của Hades trong Thần thoại La Mã là Pluto, mặc dù một số người nhầm lẫn ông với vị thần Dis Pater, một vị thần La Mã khác của Thế giới ngầm và đã bị thay thế bởi Pluto. Dis Pater đôi khi được dùng để chỉ Hades.
  • Con trai của Hades, Ploutos,18 chia sẻ trách nhiệm là thần của Sự giàu có với Hades. Thực tế, một số câu chuyện cho rằng Ploutos là con trai của Hades và Demeter, trong khi những câu chuyện khác lại xác nhận ông là con trai của Hades và Persephone.
  • Khác với các anh em và hầu hết các vị thần, Hades không bao giờ làm hại người phàm mà không có lý do. Những người phàm duy nhất bị trừng phạt bởi ông là Pirithous, người cố gắng bắt cóc vợ của Hades; Theseus, người giúp Pirithous, và có thể là Asklepios, có khả năng chữa trị tuyệt vời đến mức bắt đầu hồi sinh người chết. Mối quan hệ duy nhất của Hades với người phàm là việc ông đặt họ vào các khu vực cụ thể trong Thế giới ngầm, tùy thuộc vào hành động tốt xấu của họ khi còn ở dương gian. Bản chất tương đối ôn hòa của Hades hiếm khi được thể hiện trong các tác phẩm văn hóa đại chúng.
  • Mũ Tàng hình của Hades đôi khi được gọi là Mũ Kinh hoàng vì nó có thể làm cho người đeo trở nên vô hình hoặc khiến họ thấy được nỗi sợ hãi lớn nhất.
  • Mặc dù là một vị thần nằm trong nhóm quyền lực nhất, Hades không phải là thần Olympus nên ông không có ngai vàng trên đỉnh núi Olympus. Thay vào đó, ông cư ngụ ở Thế giới ngầm. Tuy nhiên, theo một số định nghĩa, Hades vẫn được coi là một vị thần Olympus vì ông là anh trai của Zeus và đồng minh với các vị thần trên đỉnh Olympus.
  • Hades sở hữu tất cả tài nguyên, của cải giàu có dưới lòng đất. Ông cai trị và kiểm soát các ác quái, linh hồn dưới địa ngục. Từ “thế giới ngầm” đôi khi đang ám chỉ Hades.
  • Hades có một con chó cưng ba đầu tên Cerberus.
  • Tên Zagreus được coi là một trong những biệt hiệu lâu đời của Hades,19 liên kết ông từ giai đoạn thờ cúng thần linh của nền văn minh cổ đại Minoan.
  • Các bài thánh ca của Sibyllines có nhắc đến Hades là cha của Zagreus và Melinoe.20

Nguồn tham khảo

  1. https://en.wikipedia.org/wiki/Trophonius ↩︎
  2. Taylor-Perry, Rosemarie (2003). The God who Comes: Dionysian Mysteries Revisited. p. 4. ↩︎
  3. (Eidinow, Esther (2014). The Oxford Companion to Classical Civilization. p. 354.) ↩︎
  4. (Graves, Robert (2000). The Greek Myths, Volume 1.) ↩︎
  5. (Harrison, Jane Ellen (1922). Prolegomena to the Study of Greek Religion. pp. 18,19.) ↩︎
  6. (Bell, Malcolm (1981). Morgantina Studies, Volume I: The Terracottas. pp. 89, 90, 106, 107, 254.) ↩︎
  7. (Ogden, Daniel (2010). A Companion to Greek Religion. p. 42.) ↩︎
  8. http://www.hellenicgods.org/plouton—the-epithets‬ ↩︎
  9. therkalexander. “Hey its me again want to pick your brains now…” Rachel Alexander, Dec 29 2013, http://therkalexander.com/post/71504111080/hey-its-me-again-want-to-pick-your-brains-now ↩︎
  10. Bell, Malcolm (1981). Morgantina Studies, Volume I: The Terracottas. pp. 89, 90, 106, 107, 254 ↩︎
  11. https://www.mythsdreamssymbols.com/snakesymbolism.html ↩︎
  12. (The Lost Girls-Demeter, Persephone and the Literary Imagination 1850-1930 Text Studies in Comparative Literature) ↩︎
  13. (H.D., Notes on Thought and Vision & The Wise Sappho (San Francisco: City Lights, 1982), p. 32.)  ↩︎
  14. Campbell, Lewis (1898). “Chapter 11: The Mysteries”. Religion in Greek Literature. ↩︎
  15. Dionysos By Karl Kerényi ↩︎
  16. Dionysus: Myth and Cult By Walter Friedrich Otto ↩︎
  17. The God who Comes: Dionysian Mysteries Revisited By Rosemarie Taylor-Perry ↩︎
  18. The Road to Eleusis: Unveiling the Secret of the Mysteries By R. Gordon Wasson, Albert Hofmann, Carl A. P. Ruck ↩︎
  19. Campbell, Lewis (1898). “Chapter 11: The Mysteries”. Religion in Greek Literature. ↩︎
  20. https://archive.org/details/SibyllineHymns ↩︎

Để lại một bình luận