Atlas (tiếng Hy Lạp cổ đại: Ἄτλας) là một Titan thế hệ thứ hai bị kết án phải gánh vác bầu trời hay thiên đường mãi mãi sau cuộc chiến Titanomachy. Atlas còn có mặt trong các giai thoại về hai người anh hùng vĩ đại nhất Hy Lạp là Hercules và Perseus. Theo nhà thơ Hy Lạp cổ đại Hesiod, Atlas đứng ở cực tây tận cùng của Trái đất. Sau này, Atlas được liên kết với Dãy núi Atlas ở Tây Bắc châu Phi và là vị vua đầu tiên của Mauretania (bao gồm vùng đất của Morocco và Tây Algeria ngày nay, không nên nhầm lẫn với quốc gia Mauritania hiện tại).
Atlas rất giỏi về triết học, toán học và thiên văn học. Trong thần thoại, ông là người đầu tiên phát minh ra quả cầu thiên văn. Trong một số tài liệu, ông thậm chí còn được ghi nhận là người sáng tạo ra thiên văn học.
Atlas là con trai của Titan Iapetus và Oceanid Asia hoặc Clymene. Ông là anh trai của Epimetheus và Prometheus. Atlas có nhiều con, chủ yếu là con gái, bao gồm Hesperides, Hyades, Pleiades và nàng tiên Calypso sống trên đảo Ogygia.
Vào thế kỷ 16, thuật ngữ “Atlas” đã được dùng để chỉ một bộ sưu tập bản đồ sau khi nhà địa lý người Flemish tên Gerardus Mercator xuất bản tác phẩm của mình để tôn vinh Titan trong thần thoại.
Biển Đại Tây Dương (Atlantic Ocean) có tên bắt nguồn từ “Biển Atlas” (Sea of Atlas). Tên gọi Atlantis được đề cập trong đối thoại Timaeus của Plato cũng xuất phát từ “Atlantis nesos” (tiếng Hy Lạp cổ đại: Ἀτλαντὶς νῆσος), có nghĩa là “Đảo của Atlas”.
Atlas | |
Hiện thân cho | Sức mạnh, sự bền bỉ, gánh nặng và thiên văn học, cùng với vai trò người vác bầu trời |
Bạn đời | Pleione, Hesperis |
Gia đình |
Iapetus và Asia hoặc Clymene; Prometheus, Epimetheus, Menoitios, Ankhiale (anh chị em) |
Con cái |
The Hesperides, The Hyades, The Pleiades, Hyas, Calypso, Dione |
Biểu tượng |
Ngọn giáo |
Nơi ở |
Cực tây của Gaia (Trái đất), Bắc Phi |
Phả hệ
Các nguồn tài liệu cho thấy Atlas có nhiều người con, chủ yếu là con gái, với các nữ thần khác nhau. Danh tinh và nguồn gốc của những đứa con của Atlas chưa có sự thống nhất giữa nhiều nguồn nên đôi khi gây ra mâu thuẫn hoặc trùng lặp.
Với Hesperis (con gái của Nyx và Erebus): nhóm nymphs Hesperides (tiên nữ canh cây táo vàng của Hera, xuất hiện trong nhiệm vụ thứ mười một của Hercules).
Với nữ Titan Pleione (hoặc nữ hoàng Aethra):
- Hyades – nhóm nữ thần liên quan đến mưa rào, thời tiết và mùa vụ.
- Con trai Hyas, người bị lãnh chúa của các loài động vật hoang dã, Ceryneian Hind, giết chết trong khi săn bắn.
- Pleiades – nhóm nàng tiên sao.
Với một hoặc nhiều nữ thần chưa rõ danh tính:
- Calypso, nữ thần nổi tiếng với việc giúp đỡ vị anh hùng Odysseus trong cuộc hành trình trở về nhà.
- Dione (một số dị bản cho rằng bà là mẹ của Aphrodite và có vai trò tương tự Aphrodite).
- Maera, nữ thần hoặc hồn ma được liên kết với chó săn hay giấc mơ.
Trong tác phẩm Fabulae, Hyginus còn nhắc đến một Atlas nhiều tuổi hơn, là con trai của Aether và Gaia.
Thần thoại
Chiến tranh và hình phạt
Atlas và người anh em Menoetius đã đứng về phía Titan trong cuộc chiến Titanomachy. Khi phe Titan bại trận, nhiều người trong số họ (bao gồm cả Menoetius) bị giam giữ dưới Tartarus, nhưng Zeus lại trừng phạt Atlas bằng cách cho ông đứng ở rìa phương Tây của trái đất và nâng đỡ bầu trời trên vai. Vì vậy, ông có tên là Atlas Telamon mang nghĩa “Atlas bền bỉ” và trở thành phiên bản thứ hai của Coeus, hiện thân của trục thiên thể được bầu trời xoay chuyển xung quanh
Một sự nhầm lẫn phổ biến ngày nay là Atlas bị buộc phải nâng Trái đất trên vai, nhưng thực chất trong nghệ thuật cổ điển và văn học cổ đại miêu tả Atlas nâng các quả cầu thiên thể. Chính sự tương đồng về hình dáng của quả cầu đá cẩm thạch mà Atlas gánh trong tác phẩm Farnese Atlas là nguyên nhân dẫn đến hiểu lầm. Điều này càng được củng cố hơn khi từ thế kỷ 16, từ “atlas” bắt đầu được dùng để mô tả bộ sưu tập các bản đồ địa lý
Gặp gỡ Heracles
Một trong Mười Hai Nhiệm Vụ Vĩ Đại của vị anh hùng Hercules là đi lấy những quả táo vàng từ khu vườn của Hera được các con gái của Atlas, Hesperides (cũng được gọi là Atlantides), chăm sóc và con rồng Ladon canh giư. Hercules đã đến gặp Atlas để xin sự giúp đỡ từ ông và đề nghị giữ bầu trời thay ông.
Tuy nhiên, khi Atlas trở về với những quả táo, ông lại cố gắng lừa Hercules nhận trách nhiệm bằng cách tự mình đưa quả táo thay Hercules cùng lý do ai đã đỡ bầu trời thì phải gánh nó mãi mãi, hoặc cho đến khi người khác nhận lấy. Hercules nghi ngờ ý định của Atlas nên giả vờ đồng ý với điều kiện Atlas giữ giúp bầu trời thêm một vài phút cho Heracles chỉnh lại áo choàng làm đệm trên vai. Atlas đã mắc bẫy và Hercules cầm táo chạy đi mất.
Trong một số phiên bản, Hercules lựa chọn giải thoát cho Atlas bằng cách xây dựng hai Cột Trụ Hercules nhằm giữ thiên đàng cách xa mặt đất, sau này anh cũng giải cứu Titan Prometheus khỏi sự trừng phạt của Zeus.
Gặp gỡ Perseus
Nhà thơ Hy Lạp Polyidus (khoảng năm 398 TCN) kể một câu chuyện về Atlas, dưới danh tính một người chăn cừu, đã gặp Perseus và bị anh ta biến thành đá. Ovid sau đó kể chi tiết hơn về sự việc này, kết hợp nó với huyền thoại về Hercules. Trong câu chuyện của Ovid, Atlas không phải là một người chăn cừu mà là một vị vua. Theo Ovid, Perseus đến vương quốc của Atlas và xin được tá túc, nói rằng mình là con trai của Zeus. Atlas trước đó đã nhận được một lời tiên tri cảnh báo về một người con của Zeus sẽ lấy trộm những quả táo vàng từ vườn nhà mình nên từ chối không tiếp đón Perseus. Sau đó, Atlas không chỉ bị Perseus biến thành đá, mà cả một dãy núi: đầu của Atlas là đỉnh núi, vai của ông là các sườn núi và tóc của ông là những cánh rừng. Lời tiên tri sau này được xác nhận không liên quan đến Perseus mà là Hercules, một con trai khác của Zeus và là cụ của Perseus.
Nhân vật thần thoại cùng tên
Atlas không chỉ ám chỉ vị Titan mà còn nhiều nhân vật khác.
Vua của Atlantis
Theo Plato, vị vua đầu tiên của Atlantis cũng được gọi là Atlas, nhưng Atlas này là con trai của Poseidon với một người phụ nữ phàm trần tên Cleito. Các tác phẩm của Eusebius và Diodorus cũng cung cấp một câu chuyện khác về Atlas của vùng Atlantis. Trong đó, cha mẹ của Atlas là Uranus và Gaia. Ông nội của Atlas là Elium – Vua của Phoenicia – sống ở Byblos cùng với vợ là Beruth. Atlas được người chị gái Basilia nuôi dưỡng.
Vua của Mauretania
Một vị vua nổi tiếng của vùng Mauretania người Mauri trong thời cổ đại, tương ứng với khu vực Morocco và Algeria ngày nay cũng có tên là Atlas. Vào thế kỷ 16, Gerardus Mercator đã tập hợp bộ sưu tập bản đồ đầu tiên được gọi là “Atlas” và dành tặng cuốn sách của mình cho vị vua này.
Theo thời gian, Atlas gắn liền với khu vực Tây Bắc châu Phi. Ông được liên kết với Hesperides (tiên nữ Nymphs) – những người canh giữ táo vàng – và quái vật Gorgons vì tất cả đều được cho là sống bên ngoài Đại Dương ở vùng cực tây của thế giới kể từ thời Hesiod với tác phẩm Theogony. Diodorus và Palaephatus có đề cập Gorgons sống ở Gorgades, quần đảo nằm trên Biển Aethiopian. Hòn đảo chính của nó được gọi là Cerna và theo một số quan điểm hiện đại, những hòn đảo này tương ứng với quốc gia Cape Verde do người Phoenicia khám phá.
Khu vực Tây Bắc châu Phi dần được xem là quê hương chính của Atlas thông qua các nguồn khác nhau. Đặc biệt, theo Ovid, sau khi Perseus biến Atlas thành một dãy núi, ông bay qua Aethiopia, và máu từ đầu Medusa (quái vật Gorgon mà Perseus đã giết) rơi xuống, sinh ra những con rắn Libya. Đến thời La Mã, việc liên tưởng quê hương của Atlas với một hàng núi, cụ thể là dãy núi Atlas, gần Mauretania và Numidia, đã trở thành điều quen thuộc.
Thần thoại Etruscan
Tên gọi đặc biệt Aril được khắc trên hai hiện vật bằng đồng có niên đại từ thế kỷ thứ 5 TCN của người Etruscan bao gồm một chiếc gương từ Vulci và một chiếc nhẫn từ một địa điểm chưa xác định. Cả hai hiện vật đều mô tả cuộc gặp gỡ giữa Atlas và Hercle—tên gọi của Heracles trong thần thoại Etruscan—được nhận dạng qua dòng chữ khắc trên hiện vật. Đây là những trường hợp hiếm hoi mà một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp du nhập vào thần thoại Etruscan, nhưng tên gọi Hy Lạp không được giữ nguyên. Tên “Aril” trong tiếng Etruscan hoàn toàn độc lập về mặt ngữ nghĩa, không bị ảnh hưởng bởi từ ngữ của Hy Lạp.
Sự thật thú vị
- Nhiều người nhầm lẫn Atlas gánh Trái Đất nhưng thực chất ông đang gánh quả cầu thiên thể, chứ không phải Trái Đất.
- Atlantis và Đại Tây Dương (Atlantic Ocean) rất có thể được đặt tên theo Atlas.H
- Atlas thường được miêu tả có bốn cánh tay.
- Dù là Titan mạnh mẽ nhất, Atlas lại bị coi là một trong những Titan kém thông minh nhất (ngoại trừ Epimetheus). Điều này thể hiện rõ nhất trong câu chuyện Hercules, người vốn nổi tiếng không nhờ trí tuệ mà vì sức mạnh và kỹ năng săn quái vật, dễ dàng lừa lại Atlas gánh thiên đàng trong nhiệm vụ thứ mười một của mình.