MENOETIUS

Menoetius hay Menoetes (tiếng Hy Lạp cổ: Μενοίτιος, Μενοίτης) là Titan thuộc thế hệ thứ hai, con trai của Iapetus và Clymene hoặc Asia, và là anh em với Atlas, PrometheusEpimetheus.

Tên của ông có nghĩa là “sức mạnh định mệnh”, xuất phát từ các từ Hy Lạp cổ menos (sức mạnh, quyền năng) và oitos (định mệnh, đau đớn). Hesiod mô tả Menoetius là một nhân vật ngạo mạn (hubristic), kiêu căng và bốc đồng cho đến phút cuối cùng. Ông được coi là hiện thân của cơn thịnh nộ dữ dội, những quyết định vội vàng và sự hữu hạn của con người. Trong khi các anh em đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra loài người, Menoetius lại không may mắn như vậy. Chính thói quen đưa ra các quyết định nông cạn của ông đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.


Menoetius
Hiện thân cho Sự giận dữ bạo lực, những quyết định hấp tấp và cuộc sống hữu hạn của con người
Gia đình

Iapetus và Asia hoặc Clymene; Atlas, Prometheus, Epimetheus (anh chị em)

 

Thần thoại

Cuộc chiến Titanomachy

Menoetius và các Titan sống trong thời Kỷ Nguyên Hoàng Kim của loài người. Lúc đó, Cronus ngự trị trên ngai vàng, lãnh đạo các vị thần bất tử tạo nên một giai đoạn tương đối hòa bình. Tuy nhiên, Đất mẹ Gaia đưa ra một lời tiên tri cảnh báo Cronus rằng một trong những đứa con sẽ lật đổ ông, giống như cách ông đã làm với Uranus trước đó. Để trốn tránh định mệnh, Cronus nuốt chửng tất cả những đứa trẻ mà Rhea sinh ra. Rhea đã kịp giấu đi đứa con út, đó là Zeus. Khi trưởng thành, Zeus dùng mưu kế buộc Cronus phải nôn ra các anh chị em khác, qua đó đánh dấu sự ra đời của các vị thần Olympus và khởi đầu một cuộc chiến toàn diện.

Titanomachy, hay Cuộc chiến Titan, là sự đối đầu giữa hai thế hệ thần linh và kéo dài suốt mười năm. Thế hệ cũ, các Titan, chiến đấu từ núi Othrys, trong khi thế hệ mới, thần Olympus, chiến đấu từ núi Olympus. Menoetius đứng về phía Titan. Ông cùng anh trai Atlas chiến đấu bên cạnh cha mình, Iapetus, trong hàng ngũ của các Titan. Trái lại, hai người anh em khác gồm Prometheus và Epimetheus, chọn giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột. Quyết định này sau đó cứu họ khỏi số phận bi thảm mà phe Titan phải gánh chịu.

Kết cục mơ hồ

Chi tiết số phận của Menoetius sau chiến tranh không có ghi chép rõ ràng. Mặc dù Titanomachy là một phần quan trọng trong thần thoại về sự kế vị, những sự kiện và chi tiết cụ thể liên quan đã bị thời gian làm phai mờ.

Theo nhiều tư liệu, Zeus đánh trúng Menoetius bằng những tia sét của mình. Tuy nhiên, lý do Zeus nhắm vào Menoetius không được làm rõ. Có thể ông chỉ là một trong số những nạn nhân của cuộc đại chiến. Một số phiên bản về Titanomachy lại cho rằng Zeus đánh hạ Menoetius vì hành động kiêu ngạo của ông. Một số nhà thơ cổ đại củng cố thêm chính bản chất ngạo mạn và xấc xược của Menoetius khiến Zeus ném tia sét về phía vị Titan này. Kết cục là, Menoetius nhanh chóng bị hạ gục và rơi xuống Tartarus.

Cuối cùng, nhóm thần Olympus giành chiến thắng. Nhờ sự giúp sức của dàn anh em quái vật gồm các Cyclopes và Hecatonchires được Zeus giải phóng trước đó, các vị thần bất tử đã đẩy lùi được lực lượng Titan và giành lấy ngai vàng.

Zeus trở thành Vua Vũ Trụ và lên ngự trị tại đỉnh Olympus. Zeus trừng phạt phe đối thủ bằng cách đày hầu hết xuống Tartarus, bao gồm cả Menoetius. Vị Titan trẻ tuổi này bị kết án chịu cảnh đọa đày trong Tartarus vĩnh hằng.

Anh em của Menoetius

Menoetius là người đầu tiên trong số các con của Iapetus phải gánh chịu hậu quả. Những hành động nông nổi và bản tính kiêu ngạo của ông dẫn đến cái kết bi thảm ngay từ rất sớm. Trong khi đó, những người anh em còn lại có những số phận đặc biệt do tay các vị thần định đoạt.

Atlas cũng bị trừng phạt khi đứng về phía Titan. Ông bị buộc phải gánh cả bầu trời mãi mãi. Hình ảnh Atlas đang giữ vững một quả cầu khổng lồ trở thành biểu tượng tiêu biểu trong nghệ thuật cổ đại và hiện đại. Atlas xuất hiện nhiều lần trong các câu chuyện Hy Lạp và thậm chí có những dịp giao lưu với nhiều anh hùng nổi tiếng.

Prometheus và Epimetheus không phải chịu cơn thịnh nộ của Zeus sau Titanomachy. Vì giữ vững thái độ trung lập, họ được Zeus tha tội và giao cho một nhiệm vụ quan trọng là giúp tạo ra sự sống trên Trái Đất.

Zeus yêu cầu hai anh em ban cho động vật và con người những đặc tính cần thiết để sống còn và tự vệ. Epimetheus nhận trách nhiệm này trong khi Prometheus giám sát công việc của ông. Do hành động hấp tấp và thiếu suy tính, Epimetheus trao tất cả ưu điểm cho động vật và vô ý không chừa lại cho loài người.

Thay vì để con người phải bước vào thế giới mà không có kỹ năng, Prometheus đánh cắp lửa và nghệ thuật từ Hephaestus lẫn Athena, ban cho nhân loại. Qúa tức giận, Zeus bắt trói Prometheus lên một ngọn núi và sai khiến con đại bàng đến ăn gan của ông suốt cả cõi đời. Epimetheus, sau đó, được các vị thần ban cho Pandora, người phụ nữ đầu tiên, làm vợ. Pandora đã mở chiếc hộp mà Zeus trao cho cô và từ đó, mọi tội lỗi, niềm thống khổ và đau đớn được giải phóng, đổ lên nhân loại.

Di Sản

Thật không may, Menoetius không để lại một di sản lâu dài như những vị thần khác trong thời đại của ông. Menoetius là hiện thân của những gì mà sự kiêu ngạo có thể gây ra. Những thất bại của ông trong cuộc chiến đã làm nổi bật bản chất xấu xa đó. Câu chuyện về Menoetius ngắn gọn, trở thành một bài học cảnh tỉnh cho nhiều thế hệ. Ông chịu chung số phận bị đày đọa dưới Tartarus cùng các Titan, qua đời và để lại di sản của mình nằm sâu trong vực thẳm.

Có hai nhân vật khác cũng mang tên Menoetius trong thần thoại Hy Lạp. Đó là:

  • Menoetes, người canh giữ đàn gia súc của Hades, xuất hiện trong nhiệm vụ thứ mười hai của Hercules. Khi Hercules cần bắt con chó địa ngục Cerberus ở Thế giới ngầm, ông đã giết một con vật trong đàn gia súc của Hades. Menoetes, con trai của Keuthonymos, thách thức Hercules trong một trận đấu vật. Hercules ôm chặt và làm gãy xương sườn của ông trước khi Persephone can thiệp.
  • Menoetius từ Opus, một Argonaut, là con trai của Actor và Aegina. Ông là cha của Patroclus và Myrto, mẹ của họ có thể là Damocrateia, Sthenele, Philomela, Polymele hoặc Periopis. Trong số các cư dân Locris, Menoetius được Vua Opus II, con trai của Zeus và Protogeneia, đặc biệt tôn kính.

Sự thật thú vị

  • Menoetius, còn được biết đến với tên gọi “Menoetes” và “Menoitios”.
  • Tên của ông bắt nguồn từ hai từ “menos” (sức mạnh) và “oitos” (định mệnh), với ý nghĩa gần như là “sức mạnh định mệnh.”
  • Hầu hết các học giả coi Menoetius là một ví dụ tiêu biểu cho sự kiêu ngạo (hubris) trong các câu chuyện thần thoại Hy Lạp.
  • Menoetius là Titan của những hành động bốc đồng, cơn giận dữ tột độ và cuộc sống có điểm dừng của con người.
  • Menoetius là một trong bốn người con của Iapetus và Clymene. Vị Titan này bị giết bởi những tia sét của Zeus và sau đó bị đày xuống Tartarus cùng với vô số Titan khác.

Để lại một bình luận