PROMETHEUS

Prometheus (tiếng Hy Lạp cổ đại: Προμηθεύς) là Titan thế hệ thứ hai, con của Iapetus và được con người tôn làm thần lửa. Prometheus nổi tiếng với câu chuyện ăn trộm lửa thiêng từ các vị thần Olympus và trao nó cho loài người, từ đó khởi nguồn công nghệ, tri thức cũng như nền văn minh

Trong một số phiên bản, ông còn tạo ra loài người từ đất sét. Prometheus với trí thông minh ưu việt trở thành vị thần bảo vệ con dân, khởi xướng nghệ thuật và khoa học nhân loại. Ông đôi khi được cho là cha của anh hùng Deucalion trong câu chuyện về trận đại hồng thủy.

Hình phạt khủng khiếp của Prometheus cho tội giúp đỡ con người luôn là chủ đề bàn tán sôi nổi trong văn hóa cổ đại và hiện đại. Zeus, Vua Vũ Trụ, đã trói buộc Prometheus vào một tảng đá và phái con đại bàng—biểu tượng của Zeus—đến ăn gan (trong tín ngưỡng Hy Lạp cổ, gan là nơi chứa đựng cảm xúc của con người). Gan của ông sẽ mọc lại trong đêm, chỉ để bị ăn một lần nữa vào ngày hôm sau, tạo thành một chu kỳ liên tục. Một sự tra tấn về thể xác lẫn tinh thần không hồi kết. Theo một số phiên bản chính thống, đặc biệt là của Hesiod, Prometheus cuối cùng đã được giải thoát bởi anh hùng Hercules. Nơi Prometheus bị hành hạ được cho là núi Elbrus hoặc búi Kazbek, hai đỉnh núi lửa nổi bật trong dãy núi Caucasus. Đối với người Hy Lạp cổ đại, khu vực phía bên kia dãy núi này được xem như là vùng đất của “barbari” (những người ngoại bang, không thuộc văn minh Hy Lạp), như một cách nhấn mạnh sự cô lập và án phạt khắc nghiệt mà ông phải chịu.

Trong một dị bản, Prometheus là người thiết lập hình thức hiến tế động vật trong các tín ngưỡng tôn giáo cổ đại. Tuy nhiên, tập tục thờ cúng Prometheus lại không phổ biến. Ông được tôn thờ chủ yếu ở Athens, chia sẻ đền thờ với AthenaHephaestus, hai vị thần Hy Lạp của sáng tạo và công nghệ.

Trong truyền thống phương Tây cổ điển, Prometheus trở thành hình mẫu đại diện cho sự nỗ lực của con người (đặc biệt là cuộc tìm kiếm tri thức khoa học) và rủi ro của việc vượt qua giới hạn hay những hậu quả không lường trước. Đặc biệt, trong thời kỳ Lãng mạn, ông là biểu tượng cho cụm từ “thiên tài đơn độc”, những người luôn nỗ lực cải thiện cuộc sống con người nhưng có thể dẫn đến bi kịch.


Prometheus
Hiện thân cho Sự suy tính trước, lửa, và mưu kế khéo léo
Bạn đời ClymeneHesisone hoặc Pronoia
Gia đình

Iapetus và Asia hoặc Clymene; Atlas, Epimetheus,  Menoitios, Ankhiale (anh chị em)

Con cái

Deucalion

 

Thần thoại

Tài liệu chính quy

Những ghi chép cổ xưa nhất về Prometheus xuất hiện trong các tác phẩm của Hesiod, nhưng câu chuyện về một nhân vật mưu mô đánh cắp lửa giúp ích con người rất phổ biến trong nhiều nền văn hóa thần thoại. Một số chi tiết về Prometheus có nét tương đồng với huyền thoại Sumerian về Enki (hoặc Ea trong thần thoại Babylon sau này), người được cho cũng mang lại nền văn minh và bảo vệ loài người khỏi các vị thần khác như trong trận đại hồng thủy và tạo ra nhân loại từ đất sét. Mặc dù giả thuyết cho rằng Prometheus có nguồn gốc từ người mang lửa trong Vệ Đà Mātariśvan mà vốn không còn được biết đến rộng rãi từ thế kỷ 20, nó vẫn được củng cố và ủng hộ đông đảo ở thế kỷ 19.

Truyền thuyết cổ xưa

“Theogony” của Hesiod


Văn bản đầu tiên nói về thần thoại Prometheus chính là Theogony của Hesiod – nhà thơ sử thi Hy Lạp vĩ đại nhất vào cuối thế kỷ 8 TCN. Trong đó, Prometheus là con trai của Titan Iapetus với Clymene hoặc Asia, một trong các Oceanids. Ông là anh em với Menoetius, Atlas và Epimetheus. Hesiod giới thiệu Prometheus như kẻ xuất thân thấp hèn đối đầu sự toàn năng của Zeus tối cao.

Prometheus mang lửa, Heinrich Friedrich Füger (1751 – 1818)

Trong sự kiện trò lừa đảo ở Mecone, tại bữa tiệc phân chia lễ vật hiến tế giữa người phàm và thần linh, Prometheus đã lừa Zeus. Ông đặt hai phần hiến tế trước mặt Zeus: một phần thịt giấu bên trong lớp dạ dày bò xấu xí và một phần xương được bọc lớp mỡ bóng lưỡng hấp dẫn. Zeus chọn phần thứ hai, tạo tiền lệ cho các tục hiến tế sau này. Kể từ đó, con người giữ lại phần thịt ngon để ăn và đốt xương bọc mỡ nhằm dâng lên các vị thần. Zeus biết mình bị lừa nên vô cùng tức giận và thần tước đoạt ngọn lửa khỏi loài người để trả thù. Trong phiên bản này, con người từ ban đầu đã biết sử dụng lửa nhưng Zeus lấy nó đi.

Prometheus ăn trộm lửa của thần Zeus, giấu nó trong một thân cây thì là và trả lại cho loài người. Hành động này càng khiến Zeus căm phẫn nên gửi người phụ nữ đầu tiên xuống sống cùng loài người. Người thiếu nữ kiềm diễm này được Hephaestus tạo ra từ đất sét và Athena thổi thêm sinh khí lẫn trí tuệ. Hesiod miêu tả:

From her is the race of women and female kind: of her is the deadly race and tribe of women who live amongst mortal men to their great trouble, no helpmeets in hateful poverty, but only in wealth.

Từ nàng mà xuất hiện giống loài phụ nữ: từ nàng mà sinh ra dòng dõi nguy hiểm và bộ tộc nữ giới sống cùng những người đàn ông phàm trần, mang đến nỗi phiền toái lớn lao cho họ, không phải là những người bạn đồng hành trong nghèo khó đáng nguyền, mà chỉ trong giàu sang sung sướng.

Prometheus bị Zeus trừng phạt bằng cách xích ông lại và sai một con đại bàng đến ăn gan của ông mỗi ngày. Gan sẽ mọc lại vào ban đêm để bị ăn vào ban ngày, tạo nên một chu kỳ liên tục. Nhiều năm sau, vị anh hùng Hy Lạp Hercules, được Zeus cho phép, đã giết con đại bàng và giải thoát Prometheus khỏi sự hành hạ.

“Works and Days” của Hesiod

Hesiod cũng kể lại câu chuyện về Prometheus trong tác phẩm Works and Days. Nhà thơ còn thêm thắt nhiều chi tiết mô tả phản ứng của Zeus trước sự việc của Prometheus. Không chỉ chiếm đoạt lửa, Zeus còn lấy đi cả “phương tiện sống” của loài người. Hesiod cho biết trước khi Prometheus chọc giận Zeus, cuộc sống con người sung túc biết bao:

you would easily do work enough in a day to supply you for a full year even without working; soon would you put away your rudder over the smoke, and the fields worked by ox and sturdy mule would run to waste

Chỉ cần làm việc trong một ngày, bạn dễ dàng có của ăn cho cả một năm mà không cần làm thêm; rồi bạn sẽ phải cất bánh lái của mình trên làn khói bếp, và những cánh đồng từng được cày bừa bởi bò và những con la mạnh mẽ sẽ trở nên hoang tàn.

Hesiod cũng bổ sung thêm về người phụ nữ đầu tiên, vốn được Hephaestus tạo ra từ đất và nước, giờ đây có tên gọi rõ ràng là Pandora. Lần này, ngoài sự trợ giúp của Athena, Aphrodite, Hermes, các nữ thần Ân Sủng và Thời Gian đều tham gia. Sau khi Prometheus đánh cắp lửa, Zeus gửi Pandora xuống trần gian để trả đũa con người. Mặc dù Prometheus đã cảnh báo, người em trai Epimetheus vẫn chấp nhận “người vợ từ trên trời rơi xuống.”

Bức vẽ trên trần nhà Epimetheus nhận được Pandora, Henry Howard RA (1769 – 1847)

Pandora mang theo một chiếc hũ, được dặn không bao giờ mở ra nhưng bản tính tò mò của cô đã chiến thắng. Những rắc rối và nỗi buồn, bệnh tật và dịch bệnh thoát ra ngoài chiếc hũ và phát tán đến thế giới. Pandora cố đóng nắp chiếc hũ lại nhưng đã quá muộn, chỉ còn lại Hy Vọng (Hope) bên trong.

“Titanomachy” bị thất lạc

Titanomachy là một thiên sử thi đã thất truyền kể về cuộc chiến giữa các vị thần Hy Lạp và cha mẹ của họ, các Titan. Ngoài các tác phẩm của Hesiod, văn bản này cũng là một nguồn gốc được công nhận về Prometheus. Tác giả của Titanomachy được cho là sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ 7 TCN đến thế kỷ thứ 8 TCN. Titanomachy nói rằng tuy là một Titan, Prometheus lảng tránh tham gia trực tiếp vào cuộc chiến giữa Zeus và Cronus. Ông đối đầu với Zeus theo một cách khác và mục đích của ông đơn giản chỉ muốn giúp đỡ loài người.

Nhà học giả cổ điển M. L. West lưu ý các tài liệu tham khảo còn sót có thể tồn tại những khác biệt đáng kể giữa Titanomachy và các tác phẩm của Hesiod. Ông cũng nhận định Titanomachy có thể là nguồn gốc của những phiên bản khác về thần thoại Prometheus, không xuất hiện trong Hesiod.

Sự tra tấn của Prometheus, Salvator Rosa, 1646–1648

Tín ngưỡng người Athens

Hai tác giả lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển của các thần thoại và truyền thuyết xoay quanh Titan Prometheus trong thời kỳ Athens thịnh vượng thuộc thời đại Socrates là Aeschylus và Plato. Aeschylus nổi bật với thể loại bi kịch Hy Lạp, trong khi Plato tập trung thể hiện tư tưởng triết học thông qua các đoạn đối thoại khác nhau mà ông viết trong suốt cuộc đời.

Aeschylus và truyền thống văn học cổ đại

Prometheus Bound của Aeschylus là tác phẩm nổi tiếng nhất về thần thoại Prometheus trong số các bi kịch Hy Lạp. Tâm điểm của vở kịch mô tả hậu quả của việc Prometheus đánh cắp lửa và hình phạt Zeus áp đặt lên ông.

Trong cuộc chiến Titanomachy, Prometheus đã đóng góp một phần không nhỏ cho chiến thắng của Zeus. Do đó, việc Zeus tra tấn Prometheus được xem như một hành động phản bội tàn nhẫn. Các hành động “phản nghịch” của Prometheus đối với Zeus cũng được mở rộng. Ngoài việc trao cho loài người ngọn lửa, Prometheus còn dạy họ các kỹ năng như viết chữ, toán học, nông nghiệp, y học, và khoa học, tạo nên nền văn minh thế giới. Phước lành lớn nhất mà Prometheus mang đến cho loài người có lẽ là cứu họ khỏi sự diệt vong hoàn toàn. Một ghi chép khác biệt đáng chú ý so với Works and Days của Hesiod (ở chi tiết cả Cronus và Zeus đều tạo ra thảm họa nhằm tiêu diệt năm thế hệ nhân loại nối tiếp), Prometheus tiết lộ rằng Zeus từng có ý định xóa sổ toàn bộ, nhưng chính ông đã bằng cách nào đó ngăn chặn được.

Sự giải thoát của Prometheus, Carl Bloch, 1864

Hơn nữa, Aeschylus còn thêm nhân vật Io – một nạn nhân khác chịu sự bạo ngược của Zeus và là tổ tiên Hercules – vào câu chuyện của Prometheus. Trong vở kịch, vị Titan này còn được mẹ minhf, Themis (đồng nhất với Gaia) tiết lộ một bí mật dẫn đến sự sụp đổ của Zeus: một cuộc hôn nhân định mệnh sẽ sinh ra một người con lật đổ được Zeus.

Những văn bản còn sót lại cho thấy Hercules, giống như thần thoại của Hesiod, cũng giải cứu vị Titan thành công. Và chỉ đến khi Prometheus bật mí về mối đe dọa với ngai vàng của Zeus, cả hai mới hòa giải trong phần cuối của bộ bi kịch.

Plato và lăng kính triết học

Trong nghiên cứu “The Myth of Prometheus”, Olga Raggio cho rằng Plato qua tác phẩm Protagoras đóng quan trọng trong việc phát triển sớm huyền thoại về Prometheus. Raggio chỉ ra nhiều chi tiết kịch tính và thách thức, vốn được bi kịch của Aeschylus khám phá, lại không xuất hiện trong các tác phẩm của Plato về Prometheus.

Bản tóm tắt thần thoại Prometheus của Olga Raggio như sau:

Sau khi các vị thần tạo hình con người và các sinh vật khác từ hỗn hợp đất sét và lửa, hai anh em Epimetheus và Prometheus được giao nhiệm vụ hoàn thiện công việc bằng cách phân phát những phẩm chất tự nhiên cho các sinh vật. Epimetheus, do thiếu sự thông minh, đã phân phát tất cả các món quà của thiên nhiên cho các loài động vật khiến con người trần trụi và không được bảo vệ, không có khả năng tự vệ hay sinh tồn trong một thế giới khắc nghiệt. Để sửa chữa sai lầm này, Prometheus đã đánh cắp ngọn lửa mang sức mạnh sáng tạo từ xưởng của Athena và Hephaestus để trao tặng cho loài người.

Raggio tiếp tục nhấn mạnh sự khác biệt mà Plato đưa ra giữa sức mạnh sáng tạo (techne) và bản năng tự nhiên (physis). Đối với Plato, chỉ có những đức tính như “kính sợ và công lý” mới có thể đảm bảo sự duy trì của một xã hội văn minh và đây là những món quà cao quý nhất được ban tặng cho loài người.

Người xưa, thông qua Plato, tin rằng tên gọi “Prometheus” bắt nguồn từ tiền tố Hy Lạp pro- (trước) + manthano (hiểu biết, học hỏi) và hậu tố chỉ tác nhân -eus, nghĩa là “Người nhìn xa trông rộng”.

Trong đối thoại Protagoras, Plato đặt Prometheus đối lập với người anh trai chậm chạp và thiếu sáng suốt của mình, Epimetheus, người được gọi là “Kẻ suy nghĩ muộn màng”. Trong tác phẩm này, các vị thần tạo ra mọi giống loài trên trái đất kể cả con người, nhưng nhiệm vụ ban phát các đặc tính xác định cho từng loài được giao cho Prometheus và Epimetheus. Khi đến lượt loài người, Prometheus quyết định trao cho họ lửa và kỹ năng nghệ thuật giúp họ trở nên văn minh.

Sự sùng kính tôn giáo tại Athens

Việc Prometheus là một Titan khiến hầu hết các địa điểm Hy Lạp cổ đại, ngoại trừ Athens, không việc thờ cúng trực tiếp. Đó là vì trong tôn giáo Hy Lạp, Titan là nhân vật cổ xưa, không phải thần thánh. Mặc dù Prometheus giữ nhiều vai trò quan trọng trong thần thoại và văn học cổ đại, sự sùng bái ông trong giai đoạn Archaic (Cổ Điển Sớm) và Classical (Cổ Điển) khá hạn chế. Nhà châm biếm Lucian ở thế kỷ thứ 2 đã chỉ ra, trong khi các ngôi đền dành cho các vị thần Olympus xuất hiện khắp nơi, không hề có nơi nào dành riêng cho Prometheus.

Athens là một ngoại lệ, khi Prometheus được thờ phụng chung với Athena và Hephaestus. Bàn thờ Prometheus tại khu rừng của Học viện (Academy) là điểm khởi đầu của nhiều lễ rước và các sự kiện quan trọng xuất hiện trong lịch Athen cổ. Trong lễ hội Panathenaic, một trong những lễ hội không thể thiếu, một cuộc đua rước đuốc bắt đầu từ bàn thờ Prometheus, nằm bên ngoài ranh giới của thành phố, rồi đi qua Kerameikos, khu vực của thợ gốm và nghệ nhân – những người xem Prometheus và Hephaestus như vị thần bảo trợ. Cuộc đua tiếp tục hướng đến trung tâm thành phố, nơi ngọn đuốc được dùng để thắp sáng chỗ tế lễ trên bàn thờ Athena tại Acropolis, kết thúc lễ hội.

Theo Pausanias (thế kỷ thứ 2), lễ rước đuốc, gọi là lampadedromia hoặc lampadephoria, được tổ chức lần đầu tiên tại Athens để vinh danh Prometheus. Đến thời kỳ Classical, những cuộc đua này tôn vinh cả Hephaestus và Athena.

Heracles giải cứu Prometheus, Đền thờ Aphrodite tại Aphrodisias

Prometheus và lửa là hai yếu tố chính mang lại ý nghĩa tôn giáo cho ông và kết nối ông với Athena cũng như Hephaestus, trở thành mối liên kết đặc biệt của Athens, một nơi tôn vinh công nghệ và sáng tạo. Lễ hội dành riêng cho Prometheus được gọi là Prometheia (τὰ Προμήθεια). Vòng hoa được đeo trong lễ hội tượng trưng cho xiềng xích của Prometheus.

Có những điểm tương đồng rõ rệt giữa Hephaestus và Prometheus. Dù phiên bản phổ biến là Hephaestus chẻ đầu Zeus để Athena ra đời, câu chuyện này cũng từng được sử dụng cho Prometheus. Theo phiên bản này, Prometheus là con trai của Hera sau sự kiện người khổng lồ Eurymedon cưỡng bức Hera khi bà còn trẻ. Khi Hera kết hôn với Zeus, ông đã ném Eurymedon vào Tartarus và trừng phạt Prometheus trên đỉnh Caucasus, lấy lý do vụ trộm lửa.

Các nghệ sĩ cổ đại miêu tả Prometheus đội chiếc mũ nhọn của thợ thủ công giống như Hephaestus và anh hùng Odysseus. Chiếc mũ này cũng được Cabeiri – những thợ thủ công liên kết với một giáo phái bí ẩn tại Athens cổ – đội, và họ được liên hệ với Hephaestus lẫn Prometheus. Karl Kerényi cho rằng Hephaestus có thể là “người kế vị” của Prometheus, mặc dù bản thân Hephaestus cũng thuộc thời kỳ cổ đại.

Pausanias ghi lại một vài địa điểm tôn giáo khác ở Hy Lạp dành cho Prometheus. Cả Argos và Opous đều tuyên bố là nơi an nghỉ cuối cùng của ông, và mỗi nơi dựng một ngôi mộ để tôn vinh ông. Thành phố Panopeus có một bức tượng thờ để tôn vinh Prometheus vì đã tạo ra loài người.

Các tác giả khác

Tượng đá cẩm thạch Prometheus Bound và Oceanids,  Eduard Müller, 1879

Có khoảng hai chục tác giả Hy Lạp và La Mã phát triển huyền thoại về Prometheus từ thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 4 SCN. Chi tiết quan trọng nhất được thêm vào và xuất hiện trong tác phẩm của các tác giả như Sappho, Aesop và Ovid, là vai trò trung tâm của Prometheus trong việc tạo ra nhân loại. Theo các nguồn này, Prometheus tạo hình con người từ đất sét.

Các tác giả sau này như Hyginus, Bibliotheca, và Quintus của Smyrna xác nhận chính Prometheus mới là người cảnh báo Zeus không nên kết hôn với nữ thần biển Thetis. Kết quả là, Thetis được gả cho người phàm Peleus và sinh ra vị anh hùng vĩ đại Achilles. Pseudo-Apollodorus cũng làm rõ một chi tiết mơ hồ trong Prometheus Bound, chỉ ra rằng nhân mã Chiron sẽ chịu đau khổ và chết thay cho Prometheus.

Các chi tiết phụ mở rộng cho truyền thuyết của Prometheus bao gồm:

  • Thời gian Prometheus chịu tra tấn.
  • Nguồn gốc của con đại bàng ăn gan (được tìm thấy trong tác phẩm của Pseudo-Apollodorus và Hyginus).
  • Cuộc hôn nhân của Pandora và Epimetheus.
  • Các huyền thoại về cuộc đời của Deucalion, con trai Prometheus (Ovid và Apollonius của Rhodes).
  • Vai trò nhỏ của Prometheus trong huyền thoại về Jason và đoàn Argonauts (Apollonius của Rhodes và Valerius Flaccus).

Prometheus còn xuất hiện trong tác phẩm hài The Birds của nhà viết kịch Athens Aristophanes. Ở đây, ông được miêu tả sống trên đỉnh Olympus sau khi kết thúc chuỗi ngày dài bị tra tấn, dường như đã hòa giải với các vị thần khác. Ông không còn là kẻ nổi loạn gan dạ từng thách thức Zeus, mà là một vị thần rụt rè, cải trang để thương lượng với các nhân vật chính (Những Con Chim) nhằm tránh bị Zeus phát hiện đang trò chuyện với kẻ thù.

Để lại một bình luận