HERCULES

“Hero? Champion? Don’t make me laugh boy. I’m none of those things. Just the Olympians’ favorite errand boy at best, or their slave at worst…

– Hercules

“Anh hùng? Chiến binh? Đừng làm tôi nực cười, cậu bé. Tôi chẳng phải những thứ đó đâu. Hay lắm thì là người chạy việc yêu thích của các vị thần trên đỉnh Olympus, còn tệ hơn thì chỉ là nô lệ…”



Hercules hay Heracles (tiếng Hy Lạp cổ: Ἡρακλῆς, nghĩa là “vinh quang của Hera”), tên lúc sinh là Alcaeus (Ἀλκαῖος, Alkaios) hoặc Alcides (Ἀλκείδης, Alkeidēs), là một anh hùng trong văn hóa Hy Lạp, con trai của Zeus và Alcmene, và là con nuôi của Amphitryon. Ông là người anh cùng mẹ khác cha (vì cả hai đều là con của thần Zeus) của Perseus. Hercules là vị anh hùng vĩ đại nhất, tổ tiên của các dòng hoàng tộc tự nhận là Heracleidae (Ἡρακλεῖδαι), và là chiến binh bảo vệ trật tự cho đình Olympus chống lại các quái vật chthonic (ở Thế giới ngầm). Ở La Mã và phương Tây hiện đại, ông được biết rộng rãi với tên gọi Hercules, người mà các hoàng đế La Mã sau này, đặc biệt là Commodus và Maximian, thường tự nhận là ông. Những nghi thức thờ cúng Hercules cũng được phát triển mạnh mẽ ở La Mã.


Hercules
Tên gọi khác Samson, Heracles, Herakles, Alcaeus, Alcides, Người thần bảo vệ loài người, Niềm tự hào của Hera, Vinh quang của Hera
Thể chất
Chủng loài Á thần hóa Thần thánh
Giới tính Nam
Hiện thân của Phòng luyện tập, loài người, anh hùng, sức mạnh, thương nhân, nhà buôn
Phả hệ
Cha mẹ ZeusAlcmene
Anh chị em

AphroditeApollo, Ares, ArtemisAthenaDionysusHelen of TroyHephaestusHermes, Persephone, Perseus

Bạn đời MegaraOmphaleDeianiraHebe
Con cái Alexiares và AnicetusTelephus, HyllusTlepolemus

 

Tượng đá cẩm thạch Farnese Hercules, Glykon sao chép từ bản gốc của Lysippos, 216 SCN

Ngoại hình

Hình tượng Hercules thường gắn liền với tấm khoác mình bằng da sư tử kèm theo cây gậy. Điều ngạc nhiên là những đặc điểm này không làm giảm đi sức hút của ông như một nhân vật vui tươi hay tham gia các trò chơi để thư giãn sau những nhiệm vụ vất vả và thích dành thời gian với trẻ con. Thông qua việc đánh bại những thế lực cổ xưa hùng mạnh, ông đạt danh hiệu “Người bảo trợ cho nhân loại”.

Tính cách

Hercules là một người giàu đam mê và cảm xúc mạnh mẽ, trượng nghĩa và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè như tham gia một trận đấu vật với Thanatos để cứu hoàng tử Admetus, người từng đối đãi tốt với ông. Ông cũng thể hiện lòng trung thành như phục hồi ngai vàng cho người bạn Tyndareus tại Sparta sau khi ông này bị lật đổ. Mặt khác, Hercules có thể trở thành một kẻ đáng gờm, dễ dàng trút cơn thịnh nộ khủng khiếp lên những kẻ dám chống đối ông, như Augeas, Neleus và Laomedon, những người phải chịu hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Sức mạnh và khả năng

Heracles nổi tiếng với sức mạnh phi thường, lòng dũng cảm và cả sự khéo léo, linh hoạt. Ông thường xuyên sử dụng trí thông minh khi sức mạnh thể chất không đủ để đánh bại đối thủ. Ví dụ, ông dùng khả năng suy luận tài tình khi thực hiện nhiệm vụ cho vua Augeas xứ Elis, vật lộn với người khổng lồ Antaeus mạnh mẽ, qua mặt được cả Titan Atlas lúc ông ta sắp lừa được ông gánh vác giùm việc nâng đỡ bầu trời. Cùng với Hermes, ông giữ vai trò quan trọng là thần bảo trợ và người bảo vệ cho các phòng tập thể dục (gymnasia) và các võ đường (palaestrae), thúc đẩy sự rèn luyện thể chất và sự xuất sắc trong thể thao thời cổ đại.

Thần thoại

Sự ra đời và tuổi thơ

Hercules vốn là đứa con của mối tình ngoài luồng giữa Zeus và người phụ nữ phàm trần tên Alcmene. Vì muốn có được Alcmene, Zeus ra lệnh cho thần Mặt trời Helios không được dậy trong ba ngày, kéo dài một đêm thành ba đêm ân ái với Alcmene. Sau đó, Zeus cải trang thành chồng bà Amphitryon và nói rằng mới trở về sớm từ chiến tranh. Còn Amphitryon thật cũng trở về vào đêm hôm sau và quan hệ với Alcmene. Chính vì thế, bà mới mang thai con trai của hai người cùng lúc. Một là Hercules, người còn lại là Iphicles, người anh sinh đôi, sau này là cha của Iolaus, người đánh xe trung thành của Hercules. Trường hợp này gọi là heteropaternal superfecundation, khi một phụ nữ mang thai sinh đôi do hai người cha khác nhau.

Sự tồn tại của Hercules là minh chứng cho cuộc tình lén lút của Zeus nên Hera căm ghét vô cùng. Chính nữ thần Hera là nhân tố quan trọng dẫn đến những bi kịch nổi tiếng xoay quanh cuộc đời Hercules mà theo bà, đó là cách trả thù tốt nhất cho tính tình lăng nhăng của thần Zeus.

Vào đêm định mệnh hai đứa trẻ chào đời, Hera thuyết phục Zeus đưa ra lời thề đứa trẻ nào thuộc dòng dõi Perseus chào đời đêm đó sẽ trở thành Vị Vua Tối Thượng. Sở dĩ bà làm vậy vì bà muốn ngăn cho Heracles, vốn là hậu duệ của Perseus, nhận được những quyền lực xứng đáng. Sau khi nhận được sự đồng ý từ Zeus, Hera vội đến nhà Alcmene và làm chậm quá trình sinh bằng cách ép nữ thần Sinh nở Ilithyia ngồi khoanh chân với trang phục bị thắt nút khiến Hercules và Iphicles mắc kẹt trong bụng mẹ. Trong khi đó, Eurystheus, một họ hàng khác thuộc chung dòng tộc, được Hera hỗ trợ chào đời sớm, biến hắn thành Vị Vua Tối Thượng thay vì Heracles. Hera đã có thể trì hoãn việc sinh Heracles mãi mãi nếu không bị Galanthis, người hầu của Alcmene, lừa dối Ilithyia rằng Alcmene đã sinh con. Khi nghe vậy, Ilithyia giật mình, làm các nút thắt mở ra và vô tình cho phép Alcmene sinh hai đứa trẻ thuận lợi.

Sợ hãi sự trả thù của Hera, Alcmene phải đem bỏ đứa con Heracles còn đỏ hỏn. Nữ thần Athena, em gái cùng cha khác mẹ, thương cảm nên cứu giúp và đưa cho Hera. Athena còn đóng vai trò quan trọng như một người bảo hộ các anh hùng. Hera đã không nhận ra Heracles nên tỏ lòng thương xót và nuôi dưỡng. Bà còn cho Hercules bú dòng sữa mẹ thiêng liêng của mình nhưng do quá trình bú quá đau đớn, bà đẩy đứa trẻ ra. Sữa của Hera văng khắp bầu trời, tạo thành dải Ngân Hà (The Milky Way). Athena liền đưa đứa trẻ về với mẹ ruột để chăm sóc sau đó.

Sự tích Dải Ngân Hà, Peter Paul Rubens, 1636-1637

Hercules ban đầu được cha mẹ đặt tên là Alcides. Chỉ sau này, ông mới được đổi lại là Hercules. Cái tên này dùng làm dịu Hera, với nghĩa “niềm tự hào” hay “vinh quang” của Hera. Khi Hercules chỉ mới tám tháng tuổi, Hera sai hai con rắn khổng lồ vào phòng của các đứa trẻ. Iphicles khóc lóc ầm ĩ, còn Hercules không chút sợ hãi, chộp cả hai con và siết chết chúng. Người giữ trẻ sau đó phát hiện Hercules đang chơi vui vẻ với chúng như thể đây là đồ chơi. Qúa kinh ngạc, Amphitryon liền cử người đi tìm nhà tiên tri Tiresias. Người này tiên đoán một sứ mệnh vinh quang dành cho cậu bé, chính là đánh bại nhiều quái vật, bảo vệ trần gian.

Tượng đá cẩm thạch Hercules lúc nhỏ bắt con rắn, nửa cuối thế kỷ 2, bảo tàng Capitoline, Rome

Giai đoạn thanh thiếu niên

Hercules từ nhỏ đã nổi tiếng với sức mạnh phi thường nhưng lại mang tính khí nóng nảy và bộc trực. Trong một buổi học nhạc, khi bị thầy dạy nhạc Linus trách mắng vì liên tục chơi sai nốt, Heracles tức giận dùng cây đàn lyre đánh chết thầy mình. Để giúp đỡ con học cách rèn luyện bản thân và kìm chế cảm xúc, cha nuôi Amphitryon gửi Hercules đi săn gia súc ở vùng quê. Tại đây, Hercules học được nhiều kỹ năng chiến đấu, cưỡi ngựa và săn bắn từ những người thầy xuất sắc như Castor và Chiron.

Vào thời điểm này, dựa trên một câu chuyện ngụ ngôn có tên “Lựa chọn của Hercules” của nhà triết gia Prodicus (khoảng năm 400 TCN) và được ghi lại trong tác phẩm Memorabilia của Xenophon, Hercules gặp hai nhân vật ẩn dụ – Xấu (Vice) và Đức hạnh (Virtue). Họ đề nghị anh chọn giữa một cuộc sống an nhàn dễ chịu hoặc cuộc sống khổ cực nhưng vinh quang. Hercules chọn con đường thứ hai. Đây là một phần trong quá trình “đạo đức hóa” hình tượng Heracles trong thế kỷ thứ 5 TCN.

Sau đó, nhờ giúp vua Creon của Thebes đánh bại quân Orchomenus, Heracles được gả công chúa Megara làm vợ.

Sự lựa chọn của Hercules, Paolo de’ Matteis (1662–1728)

12 Kỳ Công Vĩ Đại

Hai vợ chồng Hercules và Megara bên nhau vô cùng hạnh phúc và có với nhau nhiều đứa con. Nhưng nữ thần Hera vẫn không ngừng căm hận và tìm cách đày đọa ông. Trong một lần, Hera làm phép khiến Hercules rơi vào cơn điên loạn, mất kiểm soát và tấn công những người thân yêu nhất. Trong cơn thịnh nộ, Hercules giết chết vợ và con mà không nhận ra.

Nhờ cây Hellebore của Antikyreus, người sáng lập thành phố Antikyra, Hercules tỉnh táo dần và hối hận vì những gì đã làm. Ông bỏ trốn đến Đền Thần Apollo tại Delphi mà không biết rằng, đến cả điện thờ cũng bị Hera chi phối. Ông xin lời khuyên từ thần linh để chuộc lại tội lỗi khủng khiếp và được hướng dẫn đến làm nô lệ cho vua Eurystheus mười năm trời. Trong thời gian đó, ông buộc phải thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào mà Eurystheus đưa ra. Nếu thành công, Hercules sẽ được xóa bỏ mọi tội lỗi và, theo thần thoại, có được sự bất tử.

Trong một số truyền thuyết, lý do Hercules có thể hóa thần thánh sau sự kiện mười hai thử thách là nhờ Zeus, không muốn Hercules tiếp tục bị cơn ghen của Hera hành hạ, đã ép bà hứa rằng, nếu Hercules hoàn tất mười hai kỳ công vĩ đại của Eurystheus, ông sẽ bất tử.

Mặc dù khó khăn muôn trùng, Hercules vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Tuy nhiên, Eurystheus lại không công nhận thành công của ông trong hai thử thách: việc dọn dẹp chuồng ngựa Augean, vì Heracles định nhận thù lao cho công việc này; và việc giết con quái vật Hydra Lernaean, vì cháu trai của Heracles, Iolaus, đã giúp anh đốt các gốc đầu đang tái sinh của nó.

Eurystheus đã giao thêm hai nhiệm vụ: mang về những Quả Táo Vàng của Hesperides và bắt sống Cerberus. Cuối cùng, với sự dễ dàng, vị anh hùng đã hoàn thành xuất sắc từng nhiệm vụ được thêm vào, nâng tổng số kỳ công lên con số mười hai.

Không phải tất cả các phiên bản và tác giả đều liệt kê các kỳ công theo cùng một thứ tự. Bên dưới được xem là trình tự phổ biến nhất về 12 Nhiệm Vụ Vĩ Đại của Hercules:

Heracles và Sư tử Nemea, Peter Paul Rubens (1577–1640)
1. Tiêu diệt Sư tử Nemea

Đây là con quái thú khổng lồ với lớp da bất khả xâm phạm, không thể bị tổn thương bởi vũ khí thông thường. Theo truyền thuyết, sư tử này được Hera nuôi dưỡng và thả ra ở vùng Nemea để tàn phá các khu dân cư, thử thách lòng dũng cảm của những vị anh hùng. Hercules đã giết chết con sư tử bằng cách siết cổ nó bằng tay không. Sau đó, ông lột da con quái thú bằng chính móng vuốt của nó rồi khoác lên người như tấm áo choàng, tượng trưng cho chiến thắng và sức mạnh vượt trội.

2. Tiêu diệt Hydra Lernaean chín đầu

Hydra là con quái vật phun lửa có nhiều đầu rắn, thường từ 7 đến 9 cái. Mỗi khi một cái đầu bị chặt, hai đầu mới sẽ mọc lên thay thế. Hydra sống trong một đầm lầy gần Lerna. Nữ thần Hera gửi sinh vật này xuống trần gian với hy vọng hủy diệt thành phố quê hương của Hercules, vì bà tin đây là quái thú bất khả chiến bại. Để đánh bại Hydra, Hercules nhờ đến Iolaus, cháu trai của mình, đốt cháy gốc đầu ông vừa chặt, ngăn chúng tái sinh. Còn chiếc đầu lớn bất tử của con quái thú, ông đem chôn dưới một tảng đá lớn. Khi Hydra đã chết, Hercules nhúng các mũi tên vào máu độc của con quái, giúp những mũi tên này trở nên cực kỳ nguy hiểm.

Hercules và con quái vật Hydra, Antonio Pollaiuolo (1431-1498)
Hercules vật lộn với con Hươu Vàng, Adolf Schmidt, thế kỷ 19
3. Bắt con Hươu Cái Vàng của Artemis

Nhiệm vụ không phải là giết, mà là bắt sống linh thú của Artemis. Đó là con hươu cái tuyệt đẹp với bộ lông vàng óng sống trong khu rừng của Artemis, có tốc độ chạy cực nhanh. Hercules mất gần một năm trời đuổi theo con hươu cho đến khi nó kiệt sức. Artemis và Apollo xuất hiện, ngăn không cho Hercules mang con vật đi. Nhưng khi nghe được lý do của ông, bà đồng ý với điều kiện không được làm tổn hại con thú. Sau đó, Hercules giao nộp cho Eurystheus. Theo nhiều dị bản, sau khi hoàn thành xong 12 Kỳ Công Vĩ Đại, ông đã mang con hươu trả cho nữ thần.

4. Bắt Lợn Rừng Erymanthian

Đây là một con lợn rất to lớn, hung dữ và có sức mạnh vô biên. Nó phá hoại mùa màng và làm hại dân làng xung quanh vùng Erymanthos. Eurystheus giao nhiệm vụ phải bắt sống con thú và mang về Mycenae. Đối với Hercules, việc giết chóc quái thú khá dễ dàng nhưng việc bắt sống luôn đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn. Như nhiệm vụ trước, Hercules truy đuổi con vật qua các khu rừng núi, vắt kiệt sức để dễ dàng tóm gon. Khi ông mang con lợn lòi về, Eurystheus sợ hãi và trốn trong một cái vạc. Sự kiên nhẫn là đức tính anh hùng nổi bật trong hai kỳ công thứ ba và thứ tư này.

Hercules làm vua Eurytheus kinh hãi với con lợn rừng Erymanthian, Trường phái Ý, khoảng 1670 đến 1699
Hercules chuyển hướng dòng sông Alpheus, Francisco de Zurbarán, 1634
5. Dọn dẹp chuồng ngựa Augeas trong một ngày

Chuồng ngựa của vua Augeas là nơi ở của hơn 3000 con gia súc đầy ắp phân độc mà vua nhận được từ cha mình, thần Mặt trời Helios. Đây có thể xem là việc bất khả thi khi Hercules phải dọn dẹp sạch sẽ trong vòng một ngày. Tuy nhiên, nhờ sự quan sát tinh tường và tính toán cẩn thận, ông đào các con mương ở hai bên chuồng, đẩy chất thải xuống mương, rồi chuyển hướng dòng chảy hai con sông Alpheios và Pineios rửa sạch tất cả, hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

6. Tiêu diệt Chim Ăn Thịt Stymphalian

Những con chim hung dữ với bộ lông sắc bén chuyên ăn thịt người, gây một nỗi khiếp sợ cho dân cư sống gần hồ Stymphalia ở miền bắc Arcadia. Hercules dùng một cái lục lạc do nữ thần Athena tặng để xua đuổi chúng khỏi khu rừng, buộc chúng phải bay lên cao. Sau đó, ông bắn hạ nhiều con và mang chiến lợi phẩm này về chứng minh thành công của mình trước Eurystheus.

Heracles nhắm mũi tên vào loài chim Stymphalian, Trường phái Flemish, 1528
Tấm điêu khắc Hercules đấu với Bò Mộng Crete trong đền thờ Zeus ở Olympia
7. Bắt Bò Mộng Crete

Bò Mộng Crete được thần Biển cả Poseidon tặng cho vua Minos của đảo Crete như một sự công nhận và yêu cầu ông ta hiến tế nó cho thần linh. Tuy nhiên, vì con bò quá đặc biệt, Minos đã tráo và hiến tế con vật khác thấp kém hơn khiến Poseidon rất tức giận. Thần liền làm cho bò mộng phát điên, tấn công người dân và tàn phá các vùng đất quanh Knossos ở Crete. Hercules thành công bắt giữ con thú và vác nó về Tiryns cho Eurystheus. Sau đó, Eurystheus thả con bò đi. Nó lang thang đến Marathon và tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng trước khi bị Theseus giết chết.

8. Đánh cắp những con ngựa của Diomedes

Diomedes là vua của một bộ tộc sống ở vùng Thrace (bán đảo Balkan). Những con ngựa của ông được nuôi dưỡng một cách đặc biệt, chính là rèn luyện thói ăn thịt người. Diomedes cho các con thú ăn thịt tù nhân hoặc những kẻ bị bắt trong chiến tranh. Thử thách tiếp theo của Heracles là đánh cắp và mang ngựa về Mycenae. Để hoàn thành nhiệm vụ, Hercules ra tay giết Diomedes, rồi cho các con ngựa ăn thịt xác của hắn ta. Những con ngựa trở nên ngoan ngoãn, lần lượt theo Hercules dẫn đi giao nộp cho Eurystheus. Eurystheus lại tiếp tục thả các con vật nguy hiểm ra và chúng gây rối trong khu vực.

Diomedes, vua xứ Thrace, bị Hercules giết và bị chính ngựa của mình ăn thịt, Jean-Baptiste Marie Pierre, 1742
Hercules lấy thắt lưng của Hippolyta, Nikolaus Knüpfer, thế kỷ 17
9. Lấy chiếc thắt lưng của Hippolyta, Nữ hoàng Amazon

Hippolyta là nữ hoàng người Amazon, một bộ tộc các nữ chiến binh mạnh mẽ với sức chiến đấu ngang bằng nam giới. Bà sở hữu chiếc thắt lưng tinh xảo được tặng bởi cha bà, thần Chiến tranh Ares. Ban đầu, khi Hercules và nhóm bạn đến, họ gặp sự tiếp đón nồng hậu và Hippolyta đồng ý giao chiếc thắt lưng cho ông mà không cần chiến đấu. Bản thân bà nghe tiếng tăm lừng lẫy của vị anh hùng vĩ đại nên cảm thấy không có lí do gì phải từ chối. Tuy nhiên, Hera thổi những suy nghĩ tiêu cực về Hercules đến các nữ chiến binh Amazon khiến trận chiến nổ ra. Bất chấp sức mạnh vượt trội của người Amazon, Hercules vẫn hoàn thành nhiệm vụ và mang chiếc thắt lưng về cho Eurystheus.

10. Lấy đàn gia súc của quái vật Geryon

Thử thách tiếp theo là bắt đàn gia súc được canh giữ bởi con chó hai đầu Orthrus. Đàn gia súc này vốn thuộc sở hữu của Geryon, một gã khổng lồ ba đầu sáu tay sống tại Erytheia. Trên đường đến Erytheia, Hercules đi qua sa mạc Libya. Vì quá khó chịu với cái nóng, ông bắn mũi tên thẳng về hướng thần Mặt trời Helios .Ấn tượng trước hành động ngang ngược, Helios cho Hercules mượn chiếc cốc khổng lồ có thể lướt trên mặt biển. Đến nơi mà không mất nhiều công sức, Hercules tìm thấy Orthrus, người chăn gia súc Erytion và Geryon. Anh dùng chùy giết Orthrus và Erytion, rồi bắn Geryon bằng mũi tên tẩm độc. Cuối cùng, Heracles lùa đàn gia súc và, dù gặp nhiều trở ngại, vẫn đưa chúng an toàn cho Eurystheus.

Hercules đang lùa đàn gia súc của Geryon, bên phải là các nymphs của Hesperides, Giulio Bonasone (1531–1576)
11. Đánh cắp quả táo vàng của Hesperides

Cây táo vàng thần thoại được trồng trong một khu vườn bí mật, nằm ở cực tây của thế giới, gần nơi mà các nữ thần Hesperides, con gái Titan Atlas, sinh sống. Đây là món quà cưới của thần Zeus dành tặng Hera. Không chỉ được Hesperides canh giữ và chăm sóc, cây táo còn được con rồng Ladon trăm đầu bảo vệ, khiến nhiệm vụ trộm táo vàng của Hercules càng thêm khó khăn. Để tìm ra vị trí khu vườn, ông nhờ Titan Nereus giúp đỡ và ông ta đã hướng dẫn ông đến gặp Titan Prometheus, người bị đại bàng ăn gan vì dám trộm lửa thần đem cho loài người. Heracles bắn hạ con đại bàng đang hành hạ Prometheus, phá bỏ xiềng xích, đổi lại, Prometheus chỉ ông rằng Atlas mới biết rõ vị trí khu vườn. Atlas đồng ý giúp đỡ Hercules, nhưng với một điều kiện là ông phải đỡ bầu trời trong lúc Atlas đi lấy táo. Sau khi lấy được quả táo, Atlas đã định lừa ông gánh trách nhận bầu trời nhưng ông khéo léo đánh lừa lại khiến âm mưu bị phá bỏ. Hercules thành công mĩ mãn ở nhiệm vụ thứ 11.

Tấm điêu khắc Hercules đỡ bầu trời bên cạnh Athena và Atlas đang cầm táo vàng trong đền thờ Zeus ở Olympia
Hercules và Cerberus, Peter Paul Rubens, 1636
12. Bắt con chó ba đầu Cerberus

Đây là nhiệm vụ cuối cùng và cũng là nguy hiểm nhất. Vì quá thất vọng khi Heracles hoàn thành mọi thử thách, Eurystheus đưa ra nhiệm vụ mà hắn ta tin là bất khả thi. Đó chính là bắt Cerberus, con chó ba đầu hung dữ canh giữ cổng địa ngục của Hades. Hercules xuống tận Âm phủ của Hades, sử dụng các linh hồn thuyết phục thần Địa ngục giao con chó cho mình. Hades đồng ý, với điều kiện Hercules không được sử dụng vũ khí gây tổn thương cho con vật. Sau khi Cerberus được đưa về Mycenae, Eurystheus đã sợ hãi và khiếp đảm trước sức mạnh của Heracles nên ông thả Ceberus trở về vị trí canh giữ ở Thế giới ngầm.

Giải cứu Prometheus

Cả hai tác phẩm Theogony của Hesiod và Prometheus Unbound của Aeschylus đều kể rằng trong nhiệm vụ ăn trộm táo vàng, Hercules đã bắn chết con đại bàng đang tra tấn Prometheus, giải thoát ông khỏi xiềng xích và nỗi khổ đau của ông. Ngoài việc hướng dẫn Hercules đến chỗ Atlas, Prometheus còn đưa ra những lời tiên tri về số phận của ông trong tương lai. Cụ thể là Hercules vẫn tiếp tục bị Hera dày vò, nhưng ông sẽ vượt qua tất cả, làm nên những chiến công hiển hách và hóa thần trên đỉnh Olympus. Con đường vô cùng gian truân, đâu khổ, thậm chí bị các vị thần phán xét và rồi sẽ đạt đến vinh quang.

Hercules giải thoát Prometheus, Nicolas Bertin, 1703
Chòm sao của Hercules

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ lấy đàn gia súc của Geryon, khi đang trên đường trở về Mycenae, Hercules đi qua vùng Liguria phía Tây Bắc của Ý. Tại đây, ông phải chiến đấu với hai gã khổng lồ, Albion và Bergion (hoặc Dercynus), con trai của Poseidon. Những đối thủ này rất mạnh khiến Hercules rơi vào tình thế khó khăn. Ông liền cầu nguyện với cha mình, Zeus, xin nhận sự trợ giúp. Dưới sự bảo vệ của Zeus, Hercules giành chiến thắng. Chính tư thế quỳ gối cầu nguyện chân thành của Hercules đã tạo ra tên gọi Engonasin (“Εγγόνασιν”, bắt nguồn từ “εν γόνασιν”), có nghĩa là “trên đầu gối” hoặc “Kẻ quỳ gối”. Tên này sau đó được đặt cho chòm sao của Heracles.

Cuộc phiêu lưu sau đó

Sau khi hoàn thành 12 Kỳ Công Vĩ Đại, Hercules đem lòng yêu công chúa Iole xứ Oechalia. Lúc đó, vua Eurytus, cha của Iole, mở một cuộc thi bắn cung và hứa gả con gái mình cho bất kỳ ai chiến thắng các con trai ông trong trận đấu. Hercules giành chiến thắng nhưng vua Eurytus bác bỏ lời thề vì đã nghe đến câu chuyện ông giết vợ và con. Sau đó, một số gia súc quý giá của Eurytus bị mất trộm. Gia đình Eurytus nghi ngờ Hercules là thủ phạm, ngược lại Iphitus, con trai của Eurytus, tin rằng Heracles vô tội. Để chứng minh, Iphitus quyết định đi tìm số gia súc bị mất cùng Hercules. Và họ trở thành bạn bè thân thiết.

Thất vọng vì bị từ chối, Hercules nuôi hận giết vua Eurytus cùng các con trai (trừ Iphitus) và bắt cóc Iole. Hercules còn có thêm người bạn đồng hành Iphitus nhưng một lần nữa, bi kịch lại ập đến. Hera tiếp tục khiến Hercules phát điên, và trong cơn loạn trí, ông ném Iphitus từ tường thành xuống, giết chết người bạn của mình.

Qúa ân hận và tội lỗi, Hercules thực hiện nghi lễ thanh tẩy bản thân năm xưa, lần này được chỉ dẫn đi phục vụ một năm dưới quyền nữ hoàng Omphale xứ Lydia.

Omphale

Omphale được cho là nữ hoàng hoặc công chúa vùng Lydia. Là hình phạt cho hành động giết bạn, được ban xuống bởi Xenoclea, nữ tiên tri của Delphi, Hercules phải phục vụ bà như một nô lệ trong một năm. Suốt khoảng thời gian này, ông bị ép phải làm công việc của phụ nữ và mặc quần áo phụ nữ, còn Omphale mặc áo choàng da sư tử Nemea và cầm cây gậy gỗ ô liu của Hercules. Hết thời gian quy định, bà thả tự do cho Hercules và lấy ông làm chồng. Một số nguồn sử liệu kể rằng họ có một đứa con, nhưng tên của đứa trẻ thay đổi tùy theo từng bản thảo. Vào thời điểm này, những cercopes – linh hồn nghịch ngợm trong rừng – đã lấy cắp vũ khí của Hercules. Ông bắt được chúng và trói chúng lại vào một cây gậy, với mặt quay xuống đất.

Hercules và Omphale, Bartholomaeus Spranger, 1575 đến 1580

Hylas

Khi đang đi bộ qua cánh rừng, Hercules bị những người Dryopes tấn công. Tác phẩm Argonautica của Apollonius vùng Rhodes có nhắc đến chi tiết Hercules ra tay tàn độc với vua Theiodamas của người Dryopes chỉ vì một con bò và còn gây hấn với họ “do họ không chú trọng đến công lý trong cuộc sống”. Sau cái chết của nhà vua, người Dryopes chịu khuất phục và dâng hoàng tử Hylas cho Hercules. Ông nhận chàng trai trẻ này làm người mang vũ khí. Nhiều năm sau, Hercules và Hylas cùng gia nhập đoàn thuyền Argo và trở thành Argonauts (nhóm anh hùng Argo). Tuy nhiên, họ chỉ tham gia một phần của chuyến hành trình. Khi đến Mysia, trong lúc lấy nước suối, Hylas bị các nymphs (những nàng tiên suối) bắt cóc. Anh phải lòng các nàng tiên và không bao giờ quay lại. Hercules tìm kiếm rất lâu mà không thấy tung tích của Hylas nên đành rời khỏi đoàn và rẽ hướng đi riêng. Trong các phiên bản khác, Hylas chỉ đơn giản là chết đuối. Dù câu chuyện nào, con tàu Argo đã tiếp tục lên đường mà không có họ.

Hylas và các Nymphs, John William Waterhouse, 1896

Cuộc tấn công vào thành Troy

Trước cuộc chiến thành Troy nổi tiếng, Hercules từng dẫn quân đi đánh và tàn phá thành này. Vào thời điểm đó, thành Troy đang bị quái vật biển Cetus của Poseidon đe dọa và tàn phá. Nguyên nhân được cho là vì vua Laomedon, vua của Troy, không giữ lời hứa với thần Biển cả. Khi Laomedon xây dựng thành Troy, ông ta cầu xin sự giúp đỡ của Poseidon và Apollo. Cả hai vị thần hỗ trợ ông ta nhiệt tình nhưng khi công việc hoàn thành, Laomedon lại từ chối trả công như đã thỏa thuận khiến Poseidon tức giận và sai quái thú hủy diệt thành.

Laomedon đã lên kế hoạch hy sinh con gái mình, Hesione, cho Poseidon với hy vọng làm dịu cơn thịnh nộ. Tình cờ Heracles cùng với hai người bạn Telamon và Oicles đến Troy. Họ đồng ý giết con quái vật nếu Laomedon trao cho họ những con ngựa ông ta nhận từ Zeus, như phần thưởng cho việc Zeus bắt cóc Ganymede. Đạt được sự cam kết, Hercules giết chết quái vật, nhưng Laomedon một lần nữa không giữ lời hứa. Do đó, trong một cuộc thám hiểm sau này, Hercules và đồng đội quay lại tấn công và phá hủy Troy. Họ giết tất cả các con trai của Laomedon có mặt tại đó, ngoại trừ Podarces. Podarces đã tự cứu mạng mình bằng cách đưa cho Hercules chiếc khăn vàng mà Hesione, em gái của Laomedon và là con gái của Priam, đã tự tay làm. Telamon bắt giữ Hesione làm chiến lợi phẩm và họ có một người con trai tên là Teucer. Còn về phần Podarces, anh sau này đổi tên thành Priam, trở thành vị vua cuối cùng và là nhân vật nổi tiếng trong cuộc chiến thành Troy.

Thuộc địa ở Sardinia

Sau khi Hercules hoàn thành nhiệm vụ, các vị thần nói với ông rằng trước khi được phép gia nhập hàng ngũ thần linh, ông cần phải thành lập một thuộc địa tại Sardinia và giao quyền lãnh đạo cho những người con trai mà ông đã có với các con gái của Thespius. Khi con cái của Hercules trưởng thành, ông gửi họ cùng với Iolaus, cháu trai và bạn đồng hành trung thành, đến đảo Sardinia thực hiện yêu cầu này.

Chuyến phiêu lưu khác

  • Đánh bại người Bebryces (dưới sự cai trị của Vua Mygdon) và trao đất của họ cho Hoàng tử Lycus của Mysia, con trai của Dascylus.
  • Giết chết tướng cướp khét tiếng Termerus.
  • Đến thăm Evander, tổ tiên người La Mã, cùng với Antor, người bạn đồng hành. Sau đó, Antor ở lại Ý.
  • Giết vua Amyntor của Ormenium vì đã không cho phép ông vào vương quốc. Ông cũng giết Vua Emathion của Arabia với cùng lí do.
  • Giết vua Busiris của Ai Cập và những người theo ông ta sau khi họ cố gắng hiến tế ông cho các vị thần.
  • Giết Lityerses sau khi đánh bại hắn trong một cuộc thi gặt hái.
  • Giết Periclymenus ở Pylos.
  • Giết Syleus vì ép buộc một người lạ như ông cày cấy vườn nho.
  • Tranh tài với Lepreus và cuối cùng giết chết hắn.
  • Sáng lập thành phố Tarentum (hiện nay là Taranto ở Ý).
  • Học đấu vật từ Autolycus, con trai Hermes và là kẻ lừa đảo nổi tiếng. Sau đó, ông giết tay đấm nổi tiếng Eryx ở Sicily trong một trận đấu.
  • Trong hành trình với các Argonaut, ông giết Alastor và những người anh em của hắn.
  • Khi Hippocoon lật đổ em trai mình, Tyndareus, khỏi ngôi vua Sparta, Hercules phục hồi ngôi vua giúp Tyndareus và giết Hippocoon cùng các con của hắn.
  • Giết Cycnus, con trai của Ares. Cuộc thám hiểm tiêu diệt Cycnus, với sự tham gia của Iolaus, là chủ đề của một bài sử thi ngắn được Hesiod viết, mang tên “The Shield of Heracles“.
  • Khi Ares cố trả thù cho Cycnus, Hercules đánh bại ông ta, với sự giúp đỡ của Athena.
  • Giết Người Khổng Lồ Alcyoneus và Porphyrion.
  • Giết Antaeus, người khổng lồ sẽ bất tử khi chân chạm đất, bằng cách nhấc hắn lên cao và siết chặt cổ.
  • Những người Pygmies đã cố giết Hercules vì muốn trả thù cho người anh em Antaeus nhưng đã thất bại.
  • Chiến tranh với Augeias sau khi ông ta từ chối trả thưởng theo lời hứa cho hành động dọn sạch chuồng ngựa của Hercules. Ban đầu, Augeias giành chiến thắng nhờ tài năng của hai tướng quân Molionides của ông ta và Hercules không may bị ốm. Tuy nhiên, sau đó, ông phục kích thành công và giết chết Molionides, tiến vào Elis cướp phá và giết Augeias cùng các con của ông ta.
  • Đến thăm nhà của Admetus vào ngày vợ của Admetus, Alcestis, đồng ý hy sinh cho Admetus, do lời tiên tri ông sẽ chết nếu không ai thế mạng. Không muốn từ chối Hercules cũng như không muốn ông buồn, Admetus chào đón ông và dặn các gia nhân không cho ông biết chuyện. Hercules tận hưởng sự hiếu khách nồng hậu của nhà Admetus, uống rượu và vui chơi. Điều này làm các gia nhân tức giận, vì họ muốn được quyền tiếc thương. Một trong số họ đã lên tiếng mắng Hercules khiến ông biết rõ sự tình và cảm thấy xấu hổ. Sau đó, ông ẩn mình bên cạnh mộ Alcestis nhằm bắt được Thần Chết khi ông ta đến lấy linh hồn Alcestis. Ông siết chặt Thần Chết trong tay cho đến khi ông ta chịu nhượng bộ, đưa Alcestis trở về cho Admetus.
Hercules chiến đấu với tử thần để cứu Alcestis, Frederic, Lord Leighton, 1869-1871
  • Thách thức thần Rượu Dionysus trong một cuộc thi uống rượu và thua, kết quả ông gia nhập đoàn Thiasus (nhóm thờ cúng Dionysus) một thời gian.
  • Là vị anh hùng tổ tiên của Scythia trong các tài liệu của Herodotus. Trong lúc Hercules đang ngủ ngoài trời, một sinh vật nửa người nửa rắn đánh cắp ngựa của ông. Hercules cuối cùng tìm thấy sinh vật này, nhưng cô ta từ chối trả lại ngựa cho ông trừ khi ông đồng ý ân ái với cô. Sau cuộc tình một đêm, Hercules lấy lại ngựa, và trước khi rời đi, ông đưa cho cô chiếc thắt lưng và cây cung, đồng thời chỉ dẫn một trong số đứa con của cô sáng lập một quốc gia mới ở Scythia.
  • Trong sách thứ năm của New History, được cho là của Ptolemy Hephaestion, có đề cập Hercules không mặc da sư tử Nemea, mà là da của một con sư tử khổng lồ ông đã giết trong trận đấu tay đôi.
  • Chiến đấu và giết Cacus, ác quỷ khổng lồ và là con trai của Hephaestus. Hắn ta đã cố gắng ăn trộm đàn gia súc của Hercucles trong nhiệm vụ thứ mười.
  • Đánh nhau với người Sicani, giết nhiều người, trong đó có Leucaspis nổi tiếng.
  • Gặp quái vật biển Scylla trong một chuyến hành trình đến Sicily và giết nó. Scylla được mô tả có phần thân trên là người phụ nữ, từ thắt lưng trở xuống lại là sáu chiếc đầu chó hung dữ mọc từ phần thân của mình, mỗi đầu có hàm răng sắc nhọn. Sinh vật này thường ẩn nấp trong hang đá và tấn công tàu thuyền.

Cái chết

Sau khi đánh bại Achelous, vị thần của sông Acheloos, Heracles giành được trái tim Deianira và cưới cô làm vợ. Trên hành trình đến Tiryns, một nhân mã tên Nessus đề nghị để Deianira cưỡi trên lưng vượt qua con sông chảy xiết, còn Hercules tự bơi qua. Tuy nhiên, Nessus, đúng với hình mẫu nhân mã xảo quyệt, cố gắng bắt cóc cô khi Hercules vẫn còn dưới nước. Hercules tức giận dùng mũi tên tẩm máu độc của con quái Hydra Lernaean bắn chết Nessus. Trước khi chết, Nessus trao cho Deianira chiếc áo thấm đầy máu của hắn, nói rằng nó sẽ “khiến chồng thêm yêu cô”. Cô đã không biết rằng đó là âm mưu trả thù tàn độc của con nhân mã xảo trá.

Hercules và Deianira, Antonio del Pollaiuolo, 1470

Nhiều năm sau, một tin đồn lan đến tai Deianira rằng Hercules gian díu với Iole. Nhớ lại lời Nessus, Deianira đưa Hercules chiếc áo thấm máu đó. Lichas, người đưa tin, đã trao chiếc áo này cho Hercules. Vì thứ máu của Nessus bị nhiễm máu độc của Hydra do mũi tên của Hercules, chiếc áo thấm máu của hắn ta chính là chiếc áo chết người, đầu độc Hercules, khiến da thịt cháy rụi, lộ cả xương. Qúa đau đớn, Heracles giận dữ ném Lichas xuống biển vì nghĩ rằng ông ta ám sát mình (theo một số phiên bản, Lichas bị hóa thành tảng đá đứng giữa biển, được đặt theo tên ông).

Sau đó, Heracles nhổ những cây to, xây thành một giàn thiêu trên núi Oeta. Không một ai dám đến châm lửa trừ Poeas, cha của vị anh hùng Philoctetes (hoặc chính Philoctetes theo một số phiên bản). Cảm kích vì hành động này, Hercules tặng cung và tên tẩm độc Hydra, sau này chúng trở thành món vũ khí quan trọng giúp quân Hy Lạp đánh bại thành Troy trong cuộc chiến thành Troy. Chính những mũi tên này đã giết chết Paris, hoàng tử thành Troy nhưng chiến tranh chỉ thực sự kết thúc khi người Hy Lạp dùng mưu kế con ngựa gỗ.

Cái chết của Hercules, Francisco de Zurbarán, 1634

Cơ thể phàm trần của Hercules tan thành tro bụi, chỉ còn phần linh hồn sót lại. Từ lời hứa ban đầu của Zeus, thần đưa phần hồn của Hercules lên đỉnh Olympus, phong thần và ban cuộc sống bất tử nơi thiêng đàng.

Hóa thần thánh

Sự phong thần của Hercules, Noël Coypel (1628–1707)

Sau khi qua đời trên giàn hỏa thiêu, Hercules trở thành một vị thần trên đỉnh Olympus. Tại đây, ông hòa giải với Hera và kết hôn với con gái của bà Hebe, là người vợ thứ tư và cuối cùng. Cặp đôi này sinh được hai người con trai, Alexiares và Anicetus.

Khi quái vật Typhon tấn công đỉnh Olympus, tất cả các vị thần đều hoảng sợ, biến thành động vật và chạy trốn đến Ai Cập. Lúc đó, Hercules hóa thành một con nai tơ (fawn).

Trong tác phẩm châm biếm Dialogues of the Gods (Đối thoại của các vị thần) của Lucian vùng Samosata, Hercules tranh cãi với Asclepius, một người phàm cũng được phong thần, về việc ai xứng đáng có chỗ ngồi danh giá trên bàn tiệc thần tiên. Cuối cùng, Zeus đưa ra phán quyết rằng chỗ ngồi này thuộc về Asclepius, vì ông thành thần trước Hercules.

Heracles còn hiện ra trước mặt Philoctetes khi ông bị các chiến binh Hy Lạp bỏ rơi trên đảo Lemnos do vết thương của ông quá hôi thối. Chính Hercules thuyết phục Philoctetes quay lại đội quân Hy Lạp trong trận chiến cuối cùng. Tại đây, Philoctetes sử dụng mũi tên tẩm độc được Heracles tặng giết chết Paris, hoàng tử thành Troy.

Phương diện tình cảm

Với phụ nữ

Hôn nhân

Trong suốt cuộc đời, Hercules kết hôn bốn lần:

  • Hercules đánh bại người Minyans và giải phóng Thebes. Vua Creon liền gả con gái, Megara, cho Hercules như một phần thưởng. Đây là người vợ đầu tiên của ông. Tuy nhiên, ông đã giết chết vợ các con trong cơn điên loạn do Hera gây ra nên buộc phải đi phục vụ cho Eurystheus.
  • Người vợ thứ hai là Omphale, nữ hoàng Lydian, người mà ông đi làm nô lệ cho trong một năm do giết bạn mình.
  • Cuộc hôn nhân thứ ba là với Deianira, người mà ông phải cạnh tranh với thần sông Achelous để cod được. Sau khi đánh bại Achelous, Hercules bẻ một trong những chiếc sừng của ông ta và giao cho các nàng tiên để họ biến nó thành chiếc sừng vô tận. Bi kịch ập đến khi cô tin lời con nhân mã xảo trá Nessus về tấm áo choàng “bùa yêu” thấm đẫm máu độc của Hydra và đưa cho Hercules mặc vì nghĩ rằng ông đang ngoại tình. Điều này đã dẫn đến cái chết của ông. Biết mình bị lừa, Deianira ân hận tự sát.
  • Cuộc hôn nhân cuối cùng là với nữ thần Tuổi trẻ Hebe, khi cơ thể phàm trần cháy rụi và ông được lên Olympus làm một vị thần.
Tình nhân

Sự kiện nổi bật trong các mối quan hệ ngoài luồng của Hercules là khi ông ở lại cung điện của vị vua Thespius vùng Thespiae. Ông ta lúc ấy muốn nhờ vả Hercules giết Sư tử Cithaeron đang hoành hành trong thành phố. Để đền đáp, vua sẽ cho ông được ân ái với tất cả năm mươi người con gái xinh đẹp tuyệt trần của mình trong một đêm. Hercules đồng ý. Sau đêm đó, tất cả các cô con gái đều có thai và sinh con trai. Sự kiện này đôi khi được gọi vui là Kỳ Công Vĩ Đai Thứ 13 của ông. Nhiều vua chúa Hy Lạp cổ đại đã tự nhận mình là dòng dõi liên quan đến hậu duệ của Hercules, nổi bật là các vua của Sparta và Macedon.

Sự kiện khác không kém phần đặc biệt cảy ra trong hành trình thực hiện nhiệm vụ thứ 10 của Hercules. Sau khi ngủ dậy, Hercules phát hiện ngựa mất tích nên đi tìm kiếm. Ông đến vùng đất Hylaea và gặp Dracaena của Scythia (đôi khi được nhận diện là Echidna) – sinh vật nửa người nửa rắn – trong hang động. Hercules hỏi bà về tung tích ngựa, nhưng bà ta đáp lại sẽ không trả lại chúng trừ khi ông đồng ý ở lại với bà một thời gian. Hercules chấp nhận và sau đó trở thành cha của Agathyrsus, Gelonus và Scythes. Người con trai cuối cùng, Scythes, trở thành vua của người Scythians, theo thỏa thuận của Hercules, vì anh là người duy nhất sử dụng được cung và thắt lưng của Hercules để lại.

Với đàn ông

Tuy là biểu tượng của sự nam tính dũng mãnh ở một chiến binh, Hercules có kha khá người tình nam. Trong số đó, người có mối liên kết chặt chẽ nhất với Hercules là Iolaus, con trai của Iphicles tức cháu trai của Hercules. Iolaus chính là người đánh xe ngựa và người hầu thân cận của Heracles, đồng hành cùng ông trong suốt chuyến hành trình 12 Nhiệm Vụ Vĩ Đại. Sau đó, Hercules giúp Iolaus tìm được vợ. Nhà sử gia cổ đại Plutarch cho biết đến thời của ông, các cặp đôi nam giới đến mộ Iolaus ở Thebes để thề nguyện trung thành với vị anh hùng và với nhau. Ông cũng đề cập đến Admetus, người hỗ trợ săn lợn rừng Calydonian, là một trong những người tình nam của Hercules.

Một người tình nam khác của Hercules, hay được khắc họa trong nghệ thuật cổ đại cũng như hiện đại, là Hylas. Anh đã cùng Hercules tham gia chuyến thuyền Argo.

Elacatas, người được tôn thờ ở Sparta và là nguồn cảm hứng cho các trò chơi hàng năm mang tên Elacatea, là người tình của Hercules. Câu chuyện tình yêu của họ là một truyền thuyết cổ xưa.

Abderus, vị anh hùng đặt tên cho thành phố Abdera, cũng là một trong những người tình nam nổi tiếng của Hercules. Anh được giao nhiệm vụ chăm sóc những con ngựa ăn thịt của Diomedes ở Thrace và sau đó bị chính chúng giết hại. Hercules đã sáng lập thành phố Abdera ở Thrace để tưởng nhớ anh, nơi Abderus gắn liền với các trò chơi thể thao.

Nhà sử gia Hy Lạp cổ đại Pausanias có nhắc đến Sostratus, một thanh niên từ Dyme, là người tình của Hercules. Sostratus được cho là đã chết trẻ và được Hercules chôn cất ngoài thành phố. Mộ của anh tồn tại trong suốt thời kỳ lịch sử và người dân Dyme tôn vinh Sostratus như một anh hùng. Thanh niên này có thể cũng được gọi là Polystratus.

Một loạt các người tình khác chỉ được biết đến trong văn học sau này. Trong số đó có Eurystheus, Adonis, Corythus, Argus, và Nestor, người được Hercules yêu mến vì sự khôn ngoan. Trong câu chuyện của Ptolemaeus Chennus, vai trò người tình Hercules của Nestor phần nào giải thích tại sao ông là con trai duy nhất của Neleus được Hercules tha mạng.

Con cái

Hầu hết các cuộc hôn nhân và mối quan hệ dị tính ngoài luồng của Hercules đều có một số con trai và ít nhất bốn cô con gái. Một trong những người con nổi bật nhất là Hyllus, con trai của Hercules và Deianeira hoặc Melite. Thuật ngữ Heracleidae (Heracleids) thường được dùng để chỉ những hậu duệ của Hercules. Tuy nhiên, nó phổ biến hơn khi ám chỉ hậu duệ của Hyllus. Trong ngữ cảnh này, Heracleidae liên quan đến cuộc đấu tranh của Hyllus và các anh em để giành lại Peloponnesus—vùng đất mà họ bị Eurystheus trục xuất.

Con cái của Heracles với Megara được biết đến rộng rãi vì số phận bi thảm của chúng, nhưng chưa có sự thống nhất về số lượng và tên gọi riêng. Nhà sử gia Apollodorus liệt kê ba người gồm Therimachus, Creontiades và Deicoon; đến thời của học giả Hyginus bổ sung thêm Ophitus và Archelaus, có thể có sự nhầm lẫn vì người này vốn thuộc hậu duệ của Hercules ở nhiều thế hệ sau.

Các con trai khác nổi tiếng của Heracles bao gồm Telephus, vua của Mysia (với Auge), và Tlepolemus, một trong những chỉ huy Hy Lạp trong Cuộc chiến tranh thành Troia (với Astyoche).

Theo Herodotus, một dòng họ 22 vị vua của Lydia là hậu duệ của Heracles và Omphale. Dòng họ này được gọi là Tylonids theo tên Lydian của ông.

Các con trai thần thánh của Heracles và Hebe là Alexiares và Anicetus.

Để lại một bình luận